ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
Điều 9. Đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
1. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất sản phẩm du lịch (sau đây gọi là cơ sở sản xuất), bao gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
- Hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.
2. Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ du lịch: tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm hàng hoá du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điều 10. Các hoạt động du lịch được xem xét, hỗ trợ
1. Lập dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch: Được hỗ trợ kinh phí tư vấn lập dự án (sau khi dự án được triển khai thực hiện).
2. Sản xuất sản phẩm du lịch (bao gồm cả sản phẩm hàng hoá và sản phẩm không phải là hàng hoá).
a) Các sản phẩm du lịch được hỗ trợ phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
- Sản xuất tại tỉnh Tuyên Quang.
- Thể hiện tính đặc trưng, riêng biệt của Tuyên Quang (đặc trưng văn hoá, phong cảnh thiên nhiên…).
- Tính độc đáo, sáng tạo, mỹ thuật.
- Được làm từ các chất liệu đặc trưng của địa phương và an toàn cho sức khỏe con người.
- Có dòng chữ “Tuyên Quang” hoặc “Tuyên Quang - Việt Nam” trên sản phẩm.
Ngoài việc đảm bảo các yêu cầu nêu tại Tiết a, Khoản 2 Điều này, các sản phẩm du lịch đáp ứng được các tiêu chí nêu tại Phụ lục I, Quy chế này được ưu tiên xem xét hỗ trợ.
b. Không xem xét hỗ trợ đối với các sản phẩm du lịch có nội dung trùng lắp với những sản phẩm đã được hỗ trợ trong các chương trình, dự án khác của nhà nước.
3. Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm du lịch; Làng văn hoá - du lịch.
4. Xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch.
5. Đào tạo nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Điều 11. Nội dung và mức hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các cơ sở sở sản xuất nêu tại Điều 9, Quy chế này được hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ kinh phí tư vấn lập dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch: Các tổ chức, cá nhân khi lập dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn được hỗ trợ kinh phí tư vấn lập dự án. Mức hỗ trợ tối đa là 50% chi phí cho một nội dung thuê tư vấn nhưng tổng cộng và tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án.
2. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm du lịch
a) Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp thuê tư vấn về lập dự án đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thiết kế sản phẩm du lịch mới; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên, nhiên vật liệu; sử dụng nguyên liệu nội địa thay thế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm du lịch. Mức hỗ trợ tối đa là 50% chi phí cho một nội dung thuê tư vấn nhưng tổng cộng và tối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp.
b) Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại sản xuất ở nước ngoài trong các khâu sản xuất, xử lý môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất sản phẩm du lịch. Mức hỗ trợ tối đa là 30% giá trị máy móc thiết bị nhưng không quá 70 triệu đồng/doanh nghiệp. Trường hợp mua sắm máy móc thiết bị hiện đại sản xuất ở trong nước, mức hỗ trợ tối đa là 50% giá trị máy móc thiết bị nhưng không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp.
c) Hỗ trợ kinh phí tổ chức sản xuất thử đối với các mẫu sản phẩm du lịch mới, trong đó ưu tiên các mẫu sản phẩm được lựa chọn từ các cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu sản phẩm du lịch của tỉnh. Mức hỗ trợ tối đa là 50% kinh phí tổ chức sản xuất thử nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, thu hút nhân lực trình độ cao
a) Hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo lao động hoạt động trong ngành du lịch đối với trường hợp lao động có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 24 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng, thời gian đào tạo được hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng cho một khóa đào tạo.
b) Miễn toàn bộ kinh phí tập huấn nghiệp vụ khi tham gia các khoá tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức.
c) Hỗ trợ một lần kinh phí thuê Nghệ nhân truyền dạy nghề. Mức hỗ trợ tối đa là 50% kinh phí thuê Nghệ nhân nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/01 nghề.
d) Các doanh nghiệp hoạt động du lịch thu hút được cán bộ, người lao động có trình độ cao (đầu bếp giỏi; hướng dẫn viên du lịch giỏi, thông thạo ngoại ngữ; cán bộ quản lý có trình độ trên đại học thuộc các chuyên ngành về du lịch), có năng lực và kinh nghiêm thực tế, có cam kết làm việc tại cơ sở tối thiểu 05 năm được hỗ trợ một lần 30 triệu đồng/người.
4. Hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch
a) Được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Cụ thể như sau:
- Được miễn phí thuê mặt bằng 01 gian hàng trong trường hợp tham gia các hội chợ, triển lãm do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức. Trường hợp hội chợ do các công ty tổ chức hội chợ đăng cai thì được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê 01 gian hàng nhưng tối đa không quá 03 triệu đồng/gian hàng và chỉ được hỗ trợ 01 lần/năm.
- Được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê gian hàng nhưng tối đa không quá 07 triệu đồng/gian hàng khi tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch, quà tặng, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề do Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức, nhưng tối đa không quá 01 gian hàng/lần tham gia và không quá 02 lần tham gia/năm.
- Được hỗ trợ tối đa 30% kinh phí thuê gian hàng nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/gian hàng khi tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch, quà tặng, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề tổ chức ở nước ngoài, nhưng tối đa không quá 01 gian hàng/lần tham gia và không quá 01 lần tham gia/năm.
b) Được hỗ trợ kinh phí ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm du lịch tại các trung tâm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm đặt tại các địa điểm cố định, lâu dài thu hút khách du lịch bao gồm: Sân bay, cảng biển, bến tàu, bến xe, các điểm tham quan du lịch với mức:
- Ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ tối đa 05 triệu đồng/năm tính cho toàn bộ sản phẩm ký gửi của doanh nghiệp và thời gian tính hỗ trợ tối đa là 02 năm.
- Ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong nước: Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/năm tính cho toàn bộ sản phẩm ký gửi của doanh nghiệp và thời gian tính hỗ trợ tối đa là 02 năm.
- Ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm du lịch ở nước ngoài: Hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/năm tính cho toàn bộ sản phẩm ký gửi của doanh nghiệp và thời gian tính hỗ trợ tối đa là 02 năm.
c) Được hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu công nghiệp sản phẩm du lịch với mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp nhưng mức hỗ trợ tối đa cho một doanh nghiệp không quá 3 nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp/năm. Hỗ trợ 50% phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hoá sau khi được công nhận.
d) Được miễn phí giới thiệu sản phẩm hàng hoá du lịch trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Website xúc tiến đầu tư của các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư.
đ) Được hỗ trợ chi phí quảng cáo:
- Được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Tuyên Quang tối đa 03 lần quảng cáo/năm; thời lượng không quá 30 giây/lần quảng cáo trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, không quá 1/4 trang trên Báo Tuyên Quang.
- Được hỗ trợ 30% chi phí quảng cáo trên Đài Truyền hình trung ương và các Báo trung ương tối đa 02 lần quảng cáo/năm; thời lượng không quá 15 giây/lần quảng cáo trên Đài truyền hình, không quá 1/8 trang trên Báo.
e) Được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành đặt hàng, chọn mua các sản phẩm thích hợp để làm quà tặng cho các đoàn khách khi đến thăm và làm việc tại địa phương.
5. Hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm du lịch; Làng văn hoá - du lịch.
- Các làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm du lịch; Làng văn hoá - du lịch khi có Đề án khôi phục, phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng các chính sách hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 11 của Quy chế này.
- Làng văn hoá - du lịch khi có Đề án khôi phục, phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt được hỗ trợ 50 triệu đồng/làng để đầu tư cơ sở vật chất.
Điều 12. Tất cả các nội dung, mức hỗ trợ quy định tại Điều 11 của Quy chế này chỉ được xem xét, hỗ trợ khi chưa được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước ở các chương trình, dự án khác.
Tải về nội dung văn bản TẠI ĐÂY