Chị Ngần giới thiệu quy trình dệt thổ cẩm dân tộc Tày cho du khách tham quan
Không chạy theo xu hướng hiện đại hóa về chất liệu hay kiểu dáng, chị Ngần giữ vững nguyên tắc may thủ công, sử dụng vải truyền thống và các họa tiết mang ý nghĩa tâm linh, phong tục của người Tày. Mỗi bộ trang phục chị làm ra không chỉ là sản phẩm thời trang mà còn là một “tác phẩm văn hóa”, được nhiều người trong và ngoài địa phương đánh giá cao. Nhiều khách hàng, đặc biệt là các nghệ nhân, người lớn tuổi, trẻ nhỏ hay các đơn vị trường học đã tin tưởng đặt may sản phẩm của chị để sử dụng trong dịp lễ hội, sự kiện lớn. Chị đã và đang trở thành tấm gương tiêu biểu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Tày tại địa phương.
Sản phẩm trang phục dân tộc Tày do chị Ngần may thủ công. Ảnh Hoàng Ngần
Những bộ trang phục dân tộc Tày do chính tay chị Ngần thiết kế vốn mang vẻ đẹp kín đáo, duyên dáng, nay được khoác lên mình một diện mạo mới, rực rỡ và đầy sức sống nhờ sự kết hợp tinh tế với nghệ thuật thêu thổ cẩm, chị kết hợp giữa màu chàm trầm ấm của áo Tày và những gam màu rực rỡ của thổ cẩm tạo nên một bản giao hưởng màu sắc đầy ấn tượng. Chị lựa chọn màu sắc hài hòa, phù hợp với từng dáng áo, từng lứa tuổi, từng vị trí điểm nhấn tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Việc thêu thổ cẩm lên bộ trang phục dân tộc Tày không chỉ đơn thuần là làm đẹp mà còn là cách để nâng tầm giá trị văn hóa truyền thống. Tà áo Tày thêu thổ cẩm trở thành một sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Với Chị việc thêu thổ cẩm trên trang phục dân tộc Tày không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy mà khi du khách mặc lên cảm thấy dễ chịu nhất, tinh tế nhất. Với sự sáng tạo không ngừng của Chị và các nghệ nhân, tà áo Tày thêu thổ cẩm sẽ ngày càng trở nên rực rỡ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Chị Ngần người thứ 4 từ trái sang với bộ trang phục dân tộc được thêu dệt trực tiếp trên tà áo. Ảnh Hoàng Dương
Không chỉ làm nghề, chị Hoàng Thị Ngần còn là một hạt nhân tích cực trong công tác dân vận tại cơ sở. Chị luôn muốn lan toả giá trị văn hoá trong cộng đồng, Chị là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của thôn Nà Lung và của xã nhà, nơi chị cùng các hội viên không ngừng trao đổi kỹ thuật, sáng tạo mẫu mã trên cơ sở vẫn giữ được tinh thần bản sắc. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi học kỹ năng mới, hay các buổi họp chi hội phụ nữ, chị luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn trang phục truyền thống, đặc biệt là trong bối cảnh lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống. Cũng chính vì lẽ đó Chị luôn muốn thế hệ trẻ được tiếp cận nhiều hơn với trang phục dân tộc Tày, và các sản phẩm được tạo ra do chính nghề dệt thổ cẩm mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp và gìn giữ. Chị luôn hướng mình là một sợi dây, một chiếc cầu nối để thế hệ trẻ được biết nhiều hơn đến trang phục của dân tộc mình.
Trong Câu lạc bộ Chị Ngần luôn chú tâm đến: Việc duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm, từ chỗ việc dệt thổ cẩm đã trở nên ngại và mai một, hoặc có dệt cũng chỉ một vài hội viên dệt, và chủ yếu là để gia đình sử dụng, mẫu mã không phong phú và đa dạng, gần như không trở thành hàng hoá, sau nhiều lần Chị cùng chị Quan Thị Xuyến là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Nà Lung bàn bạc và lên kế hoạch vận động các hội viên tham gia và thành lập Câu lạc bộ. Đến nay, có gần 20 hội viên tham gia, chủ yếu là dệt mặt chăn, dệt khăn, thêu hoạ tiết hoa văn trên trang phục Tày. Chị cũng đã liên kết với Hội phụ nữ xã Thượng Lâm và Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình để cung cấp các đơn hàng phù hợp với tay nghề của các hội viên. Để có sản phẩm chất lượng cao, Chị luôn tham gia học tập, nâng cao tay nghề, sáng tạo các mẫu dệt mới để các sản phẩm ngày càng được đẹp hơn và chất lượng hơn.
Chị Ngần thứ 3 từ phải sang trong buổi trưng bày các sản phẩm của Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm. Ảnh Quan Thơm
Hàng năm khi Hội thi khâu còn đẹp tại Lễ hội Lồng tông dịp đầu xuân, nhằm khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là kỹ thuật khâu còn, một nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Sự kiện không chỉ là sân chơi để các nghệ nhân thể hiện tài năng mà còn là dịp để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Tày. Mỗi quả còn là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ và tình yêu với nghề của người nghệ nhân. Góp phần vào cuộc thi đó, Chị Ngần luôn được các chị em trong chi hội tín nhiệm cử đi tham dự. Mỗi chiếc còn được chị tạo ra đều thể hiện sự công phu, thủ công tỉ mỉ, tinh xảo, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay tâm huyết với nghề dệt may thủ công truyền thống.
Chị Ngần người thứ 4 từ trái sang cùng các chị em trong cuộc thi Khâu còn đẹp do huyện Lâm Bình tổ chức. Ảnh Văn Tích
Bên cạnh việc may đo trang phục dân tộc Tày, dệt thổ cẩm cùng các hội viên, chị Ngần cong tích cực tuyên truyền, vận động chị em hội viên phụ nữ cùng nhau giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc Tày, chị luôn vận động các chị em mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ quan trọng, đồng thời liên kết với tổ chức Đoàn của thôn và các thế hệ học sinh trong việc gìn giữ trang phục dân tộc mình. Cơ sở may đo của chị đã được các đơn vị trường học đặt may đo trang phục dân tộc cho các em học sinh vào mỗi dịp đầu năm học.
Với sự chân thành, gần gũi, chị được chị em trong thôn tin tưởng, lắng nghe và học hỏi theo. Bên cạnh đó, chị cũng không ngại chia sẻ kinh nghiệm may mặc, dệt thổ cẩm để giúp các chị em có thêm nghề phụ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ sự đóng góp tích cực đó, chị Hoàng Thị Ngần đã nhiều lần được Chi hội Phụ nữ và địa phương biểu dương là điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào của phụ nữ ở cơ sở.
T/h: Quan Thị Kiều (Trường THCS&THPT Thượng Lâm)