Lâm Bình là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang với trên 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Bình có hơn 10 dân tộc cùng sinh sống đan xen với nhau thành các bản làng tập trung. Trong những năm qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn phát huy tinh thần quê hương cách mạng, đoàn kết, một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất đoàn kết xây dựng quê hương Lâm Bình ngày càng phát triển. Có được điều này, cùng với chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự lãnh chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị, còn phải kể đến vai trò to lớn của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình. Những người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu là những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt mọi người dân trong thôn, tổ dân phố luôn vững tin đi theo Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, công tác giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực tham gia giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Sùng Mý Chính, người có uy tín tiêu biểu ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình
Ông Giàng A Chềnh, người có uy tín ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An huyện Lâm Bình chia sẻ; trong suốt nhiều năm qua ông đã tự nguyện chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình hướng dẫn bà con nhân dân cách chọn giống lúa, giống ngô, áp dụng khoa học kỹ thuật để cây trồng đat năng xuất cao. Tiên Tốc là thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông, trong đó có gần 50 hộ là đồng bào di dân tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang. So với những năm trước đồng bào còn lạ lẫm với cách trồng cấy, không quen với cách nuôi nhốt gia súc gia cầm. Thì nay, bà con nhân dân trong thôn Tiên Tốc hộ nào cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, trở thành điểm sáng của huyện về phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo. Hệ thống đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá, nhà văn hoá, trường lớp học được đầu tư xây dựng khang trang. Có thể nói, để có cuộc sống như ngày hôm nay, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đồng bào thôn Tiên Tốc luôn biết ơn ông Giàng A Chềnh, không chỉ một người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế giỏi, ông Chềnh còn là cánh chim đầu đàn của bản Mông được nhân dân tin tưởng, nghe và làm theo.
Ông Giàng A Chềnh, thôn Tiên Tốc, xã Bình An lao động cùng nhân dân
Qua bình xét huyện nay, huyện Lâm Bình có 99 người có uy tín tại 100 thôn, bản, tổ dân phố, đây là những người được cộng đồng suy tôn, có năng lực, kinh nghiệm, tập hợp quần chúng, bản thân và gia đình luôn gương mẫu biết chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể và nhân dân. Người có uy tín cũng đã tích cực tham gia phòng trào xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân để làm nhà văn hoá, sửa chữa trường, lớp học, các công trình kênh mương, đâp thủy lợi, làm mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã. Nhiều hộ gia đình, trong đó có các hộ gia đình người có uy tín tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi.
Diện mạo nông thôn của thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình
Điển hình như ông Quan Văn Hậu, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà đã tự nguyện hiến hằng trăm mét vuông đất của gia đình để mở rộng, làm đường giao thông nông thôn. Để phấn đấu đưa thôn Ka Nò đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, ông Hậu và các tổ chức chính trị, xã hội của thôn đã không quản ngày hay đêm đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền của để làm đường giao thôn nông thôn, đường nội đồng, công trình thắp sáng đường quê...Đến nay, Ka Nò như khoác lên mình diện mạo mới khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Là người có uy tín từ năm 2015, ông Ma Bá Kiều, thôn Nà Coóc, xã Bình An luôn được bà con trong thôn quý trọng. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường bê tông nội thôn. Ông Kiều còn là tấm gương tích cực lao động sản xuất, vượt khó đi lên bằng việc vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, gia đình ông còn hiến 30 m2 đất làm cầu qua suối thôn Nà Coóc.
Trong cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng bản, người có uy tín hay những người am hiểu bản sắc văn hoá, phong tục của người dân, vì vậy họ có điều kiện gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu được phong tục tập quán của bà con nên công tác tuyên truyền đã có nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh, vận động người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo người có uy tín còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý tốt hoạt động của các tổ chức tôn giáo, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động tôn giáo trái phép, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cùng với đó, người có uy tín là người đầu tầu, gương mẫu thực hiện các quy ước, hương ước của thôn, bản, khu dân cư họ là những hạt nhân tiêu biểu trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp huyện Lâm Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn. Trong đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ phát triển sản xuất; Hỗ trợ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra các cấp, các ngành cũng thường xuyên phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp; hình thành và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 100% đường ôtô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa trên 80%; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Đến cuối năm 2023, toàn huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 86%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa trên 81%. Du lịch ngày càng khởi sắc, các giá trị truyền thống văn hoá như lễ hội, nghi lễ, tiếng nói, trang phục các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đời sống kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp.
Các giá trị truyền thống văn hoá được bảo tồn và phát huy
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình chia sẻ: Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, Người có uy tín rất quan tâm và tham gia nhiệt tình công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội, HĐND các cấp, vận động nhân dân trong thôn đi bầu cử đạt 100%, nhiều người uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dụng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Nhiều người có uy tín là cán bộ đã nghỉ hưu, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác, hoạt động ở cơ sở, đảm đương các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể, tham gia Tổ hoà giải,...Những đóng góp của người có uy tín đã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thêm vững mạnh.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ đã diễn ra rộng khắp tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân
Trong sự phát triển của mỗi địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước sự vươn lên của mỗi cá nhân con có sự đóng góp quan trọng của người có uy tín, họ đã trở thành những điểm tựa của bản làng, là người truyền lửa vừa là người giữ lửa chung sức đồng lòng cùng chính quyền địa phương huyện vùng cao Lâm Bình xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Đó vừa là điều kiện, vừa là động lực lớn lao của cộng đồng các dân tộc huyện Lâm Bình trên con đường hội nhập và phát triển. Kết nối những thành công đã đạt được đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Lâm Bình tiếp tục nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương Lâm Bình có nền kinh tế ngày càng phát triển; văn hóa đậm đà bản sắc; cảnh quan, môi trường sạch - xanh - đẹp - an toàn. Sớm đưa Lâm Bình thoát khỏi huyện nghèo./.
T/h: Kim Thoa