Niềm vui của thầy và trò Trường PTDT Bán trú THCS Phúc Sơn trong năm học mới 2024 - 2025, đó là đưa vào sử dụng 12 phòng học mới và nhà hiệu bộ vừa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng giá trị dự toán 9 tỷ 345 triệu đồng. Việc được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường tăng cường dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học mới 2024 - 2025, Trường PTDTBT THCS Phúc Sơn đưa vào sử dụng 12 phòng học mới và nhà hiệu bộ
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình, kinh phí đầu tư cho giáo dục liên tục tăng; Trong năm học 2023-2024, toàn huyện được đầu tư xây mới 49 phòng lớp học; sửa chữa các hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp, hỏng hóc tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng. Cùng với việc huy động xã hội hóa, đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa phòng học đạt 65%, số phòng học bán kiên cố đạt 33%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 40%. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang đã giúp cho việc dạy và học của thầy trò nơi đây vơi đi khó khăn, thêm động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Đồng thời, góp phần để các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớp học và các hạng mục tại các đơn vị trường học không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học mà còn góp phần giúp các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Cùng với xây dựng cơ sở trường, lớp học, huyện Lâm Bình cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các đơn vị trường học mua sắm trang thiết bị dạy học từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia và huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, mô hình trường bán trú tại cấp Tiểu học, Trung học cơ sở được triển khai ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện để các em học sinh vùng sâu, vùng xa yên tâm học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, đào tạo ở huyện vùng cao Lâm Bình đã từng bước được nâng lên.
Thực hiện: Thuý Phượng - Xuân Cường