Sau khi khai thác xong 1,4 héc ta cây keo, gia đình ông Ma Văn Bắc ở thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn đã chủ động phát dọn thực bì chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Hiện nay, gia đình ông Bắc đã được cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đến phổ biến kỹ thuật, chăm sóc cây trồng và hướng dẫn xử lý thực bì đúng cách để trồng rừng. Việc kịp thời phố biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và hướng dân xử lý thực bì, đã giúp gia đình ông có thêm nhiều kinh nghiệm phát triển cây trồng, nâng cao nhận thức trong phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong thời điểm nắng nóng, khô hanh kéo dài như hiện nay.
Thời điểm này, đội ngũ cán bộ kiểm lâm của huyện Lâm Bình thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn người dân xử lý thực bì đúng cách để chuẩn bị trồng rừng vụ mới.
Năm 2025, huyện Lâm Bình phấn đấu trồng 703,7 ha rừng, trong đó: 643,7 ha rừng sản xuất; 60 ha trồng cây phân tán. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 78,9%. Để phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu này, các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn đã triển khai các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài của việc trồng rừng. Đồng thời, vận động các hộ gia đình có diện tích đất đủ điều kiện trồng rừng và những diện tích đất sau khai thác chủ động mua cây giống, cũng như tranh thủ thời tiết thuận lợi và huy động nhân lực bằng cách hoán đổi ngày công, giúp nhau hoàn thành diện tích rừng trồng mới đảm bảo trong khung thời vụ. Đến nay, toàn huyện Lâm Bình đã trồng được gần 200 héc ta rừng, đạt 28% kế hoach. Hiện nay đang trong thời gian khô hanh, bà con thường đốt thực bì để trồng rừng, nên rất dễ gây cháy rừng. Do đó, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện việc xử lý thực bì theo đúng quy trình kỹ thuật.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình kiểm tra, tuần rừng tại xã Phúc Sơn
Thông qua các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển lâm nghiệp; sự chủ động triển khai các biện pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng của các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trong những năm trở lại đây đã tạo điều kiện để nhân dân trên địa bàn huyện đầu tư, chăm sóc, nâng cao chất lượng rừng trồng. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
T/h: Thuý Phượng - Xuân Cường