Năm 2024, cây nghiến trên 1.000 năm tuổi tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên được được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Sau khi được công nhận, mọi người dân nơi đây luôn nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng số. Qua đó, góp phần tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và có trách nhiệm bảo vệ cây nghiến nói riêng và cảnh quan môi trường trong khu vực nói chung, mang lại những giá trị tích cực đối với kinh tế, cộng đồng và xã hội.
Đoàn viên xã Phúc Yên, tham gia vệ sinh khuôn viên khu vực cây nghiến trên 1.000 năm tuổi tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam
Lâm Bình là huyện có nguồn tài nguyên rừng phong phú, với hệ động, thực vật quý hiếm, độ che phủ của rừng dẫn đầu toàn tỉnh lên đến hơn 78%. Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm là các thác nước với nhiều tầng thác và quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, thích hợp cho việc khai thác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái. Để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này, cùng với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng hiện có, huyện Lâm Bình đã khai thác hiệu quả các thế mạnh có từ rừng như: Cây nghiến di sản Việt Nam tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên; tuyến du lịch trải nghiệm sinh thái - lịch sử - khám phá Di tích Xưởng quân khí H52 - hang Khuổi Pín…Hiện nay, huyện đang đề nghị Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Quần thể nghiến gồm 25 cây tại thôn Biến, xã Phúc Sơn là cây di sản Việt Nam. Quần thể Nghiến này có vị trí mọc cạnh con đường vào thôn Biến nên rất thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái và khám phá các hang động, thác nước ở thôn Biến.
Quần thể nghiến tại thôn Biến, xã Phúc Sơn
Khác với các loại hình du lịch khác, du lịch sinh thái kham phá những cánh rừng nguyên sinh với các loại cây gỗ quý hiếm sẽ giúp du khách hiểu được tầm quan trọng của rừng tự nhiên cũng như công tác quản lý và bảo bệ rừng của cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương. Qua đó, khách tham quan, du lịch có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng bầu không khí trong lành, có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và giữ gìn môi trường thiên nhiên thông qua trải nghiệm của bản thân và tuyên truyền trong cộng đồng xã hội.
Thúy Phượng - Xuân Cường