Then cổ của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản làng, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Then cổ chính là những lời cầu khấn được gửi đến nhà trời. Người hát Then trong những dịp lễ, tết, lễ cúng là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Hát Then cổ không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người, ngợi ca đạo đức, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Trước thực trạng nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó, những nghệ nhân am hiểu sâu sắc và đang nắm giữ “linh hồn” của Then cổ đang giảm dần và đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền. Nhằm gìn giữ, phát huy giá trị hát Then cổ, nhứng năm qua cấp uỷ, chính quyền huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở các lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho thế hệ trẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc dạy hát các bài hát then cổ. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để các câu lạc bộ hát then, đàn tình, các cơ sở homestay quảng bá, giới thiệu làn điệu hát Then cổ đến với du khách gần xa, để điệu then, tính tính mãi vang xa.
Lâm Bình mở các lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho thế hệ trẻ
Thấp thoáng trong những ngôi nhà sàn truyền thống, du khách sẽ được hoà mình vào tiếng tính, điệu then cổ, then lới mới do các nghệ nhân lớn tuổi và những chàng trai, cô gái, các em nhỏ trong bản biểu diễn… những làn điệu then cổ như “Bản noọng tỏn xuân”, “Mời trầu”, “Đường về Lâm Bình”, “Phượng hoàng tung cánh”, “Thượng Lâm quê noọng”, “Quê em đổi mới”, “Ơn Đảng Bác Hồ”… đã mang đến cho du khách một cảm giác thư thái, bâng khuâng, lưu luyến,….
Các em nhỏ biểu diễn tiết mục hát Then trong những ngôi nhà sàn truyền thống
Nhằm phát huy giá trị đặc sắc của Then cổ, UBND huyện Lâm Bình đã quyết định đưa làn điệu Then cổ trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Để tiếng tính, điệu then cổ được gìn giữ và phát huy, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm nét đẹp văn hoá của du khách khi kết hợp giữa du lịch sinh thài, du lịch lịch sử và trải nghiệm di sản văn hóa trong cùng một chương trình tour đến với Lâm Bình. Qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nói riêng và phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.