Hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lâm Bình năm 2024
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn huyện, theo đó huyện Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm, phong cảnh núi non Khuôn Hà, Lăng Can, hòn Cọc Vài, đèo Ái Au, xã Thượng Lâm, đèo Tát Nga, xã Phúc Yên..., cùng với khu vực lòng hồ rộng lớn là những thác nước với nhiều tầng thác nguyên sơ như: Thác Khuổi Nhi, Nặm Me, Khuổi Súng, Tát Ngà và nhiều danh lam thắng cảnh khác. Ngoài cảnh quan thiên nhiên còn có các di tích lịch sử khảo cổ tâm linh như: Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của anh hùng lao động Ngô Gia Khảm, Đền Bà Chủa, Đền Nà Thếm.... Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình luôn cần cù lao động sản xuất và giữ gìn, phát triển vốn văn hoá truyền thống mang tính bản địa từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, các làn điệu dân ca, dân vũ như: hát Then, hát Quan làng, Páo Dung, hát Cọi, múa Khèn…; các lễ hội mang đậm bản sắc dân gian, độc đáo như lễ hội Lồng tông, lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc, lễ giã cốm, lễ mừng cơm mới còn được bảo tồn và phát triển. Trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Lâm Bình xác định phát triển du lịch là một trong hai khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiện nay, huyện đã hình thành một số sản phẩm du lịch tâm linh như: Lễ hội Lồng tông, nghi lễ nhảy lửa, lễ cấp sắc, xây dựng 3 làng văn hoá đặc trưng là: Làng Văn hoá Na Tông, xã Thượng Lâm, Làng văn hoá thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Làng Văn hoá TDP Nặm Đíp thị trấn Lăng Can…, xây dựng 20 điểm check in, dừng chân, trải nghiệm rừng nghiến nghìn năm tuổi, tham quan thác nước, hang động, tắm suối, trải nghiệm hang Khuổi Pín, ngắm hoa Mộc Miên và không gian văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Hiện toàn huyện có trên 70 cơ sở lưu trú, trong đó có 11 nhà nghỉ, 62 homestay, gần 20 nhà hàng, quán ăn. Huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các sản phẩm OCOP và nâng hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao cho sản phẩm Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm, xây dựng các mô hình kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao. Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2024 huyện đã thu hút được trên 499.900 lượt khách tham quan, trong đó gần 1.800 lượt khách quốc tế, doanh thu xã hội từ du lịch trên 481 tỷ đồng, từ đầu năm 2024 đến nay số lượt khách du lịch đến tham quan, du lịch tại huyện đạt 94.600 lượt, doanh thu xã hội từ du lịch trên 113 tỷ đồng. Tai hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu ra những tồn tại, hạn chế và đề ra những nhiệm vụ giải pháp thiết thực cụ thể cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thu Hường, Phó Bí thư Huyện uỷ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND xã Thượng Lâm, thị trấn Lăng Can tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, tập trung huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hoàn thiện hàng hoá tạo thương hiệu sản phẩm OCOP, tuyên truyền cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời bảo tồn nét văn hoá truyền thống các dân tộc, chung tay bảo vệ cảnh quan môi trượng xanh, sạch, đẹp và xây dựng con người thân thiện, văn minh để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Qua đó, thúc đẩy du lịch Lâm Bình phát triển góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới./.