I KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN LÂM BÌNH
Ngày 27/4/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1262/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh toàn bộ 90,91 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.842 người của xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa và toàn bộ 41,67 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.757 người của xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa vào huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lâm Bình có 917,55 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 51.421 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 xã và 01 thị trấn.
Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh, trung tâm huyện được đặt tại thị trấn Lăng Can, có trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ tại các xã, thị trấn trong huyện. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với chăn nuôi đại gia súc và có các loại cây trồng như: Cây chè, cây lạc, cây lúa, ngô, khoai, sắn... một số cây lâm nghiệp như cây quế, keo, bạch đàn và một số loại nông sản phụ khác. Ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, huyện Lâm Bình còn có điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Homestay, du lịch lòng hồ...
1. Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, diện tích tự nhiên 917,55 km2. Phía đông giáp huyện Nà Hang (Tuyên Quang), đông bắc giáp huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang); Tây và Tây Bắc giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); nam giáp huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Huyện Lâm Bình cách Hà Nội khoảng 280km; cách Thành phố Tuyên Quang khoảng 130km; cách Cao nguyên đá Hà Giang khoảng 150km; cách Hồ Ba Bể, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn khoảng 130km và cách Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên 180km.
2. Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao mà chủ yếu là núi đá vôi và khe sâu; độ che phủ rừng chiếm trên 75% (Diện tích rừng tự nhiên: 58.870,18ha, trong đó: Rừng phòng hộ 39.028,72ha, rừng sản xuất 18.972,96ha).
Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 xã và 01 thị trấn, 100 thôn, bản; dân số trên 51 nghìn người với trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có dân tộc Pà thẻn sinh sống, chiếm khoảng 02% dân số toàn huyện. Dân tộc Pà Thẻn có nét văn hóa đặc sắc, với Nghi lễ Nhảy lửa hết sức huyền bí. Đặc biệt hơn nữa, cũng tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, có tộc Người Thủy hiện còn 54 hộ, 105 khẩu. Là tộc người ở Việt Nam có duy nhất ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, Người Thủy có, nguồn gốc, tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt.
3. Lâm Bình là huyện nghèo, quy mô kinh tế của huyện nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2020, nghèo chiếm 28,37 %, cận nghèo chiếm 23,33 % trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều; kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện,…
II. TIỀM NĂNG, LỢI THẾ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Về không gian, cảnh quan, sinh thái
Địa hình hiểm trở, có nhiều núi đá vôi, thấp dần từ bắc xuống nam; bị chia cắt rất lớn, nhiều vùng gần như biệt lập. Hầu hết các đỉnh núi có độ cao khoảng 800 đến 1.000m, nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m; núi thường chia thành nhiều dãy với nhiều đỉnh núi nối tiếp nhau tạo nên sự trùng điệp, đặc biệt khu vực Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can núi chia thành từng quả, xen giữa các dãy núi là những cung đường uốn lượn quanh co, những bản làng xinh đẹp, những nương lúa, nương ngô xanh mướt. Khu vực cao nhất là thuộc vòng cung Lô-Gâm với hệ thống núi noi trùng điệp, hùng vĩ, hòa quyện giữa đại ngàn xanh thẳm, soi bóng xuống mặt hồ Tuyên Quang, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, hiếm nơi nào có được.
Do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu của Lâm Bình phụ thuộc vào độ cao và đặc điểm của núi. Vùng cao trên 800m mang sắc thái khí hậu á nhiệt đới, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng trên 30 độ. Vùng thấp dưới 800m mang sắc thái khí hậu á nhiệt đới, nóng, ẩm. Khí hậu trong năm chia làm 4 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm là 22 độ, độ ẩm không khí khoảng 85%, lượng mưa trung bình 1.800mm, khí hậu khá mát mẻ, đây là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch.
Lâm Bình là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc, độ che phủ rừng đạt trên 80% so với diện tích toàn huyện. Thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Pơ Mu, Thông tre, Thông đỏ, Nghiến, Trai, Đinh, Sến, Dổi, các loài dược liệu quý (tâm thất rừng, cây một lá, Thất diệp nhất chi hoa,…); Động vật có: Voọc đen má trắng, Vượn, Khỉ, Hươu, Nai, Lợn rừng, Mèo rừng, Cu li, Sóc, Cầy, Nhím,… Đặc biệt Lâm Bình đang bảo tồn loài: Voọc đen má trắng, hiện còn trên 100 cá thể nằm trong sách đỏ của thế giới,…
Diện tích hồ Tuyên Quang rộng trên 8.000ha, chia 02 tuyến (dọc theo Sông Gâm và Sông Năng trước đây). Lòng hồ thuộc địa bàn huyện Lâm Bình quản lý dọc theo tuyến Sông Gâm kéo dài đến địa phận huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chỗ rộng nhất 3km, lòng hồ mở ra mênh mang, vạm vỡ, cường tráng, sức vóc như tràng trai ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Lòng hồ là nơi sinh sống, nuôi trồng của nhiều loài cá đặc sản như: Dầm Xanh, Anh Vũ, Chiên, Lăng, Bỗng, Chạch, Nheo,… Cùng với lòng hồ rộng lớn, trên địa bàn huyện có hệ thống các con suối lớn, nhỏ khác nhau, đây là nơi cung cấp nước cho sinh hoạt, đời sống và sản xuất của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời các con suối uốn quanh các bản làng, những hàng tre soi bóng, tạo nên nét thơ mộng, bình yên của miền sơn cước.
Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào), Núi Đổ địa phận giáp ranh giữa huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; Đèo Ái Au, xã Thượng Lâm; đèo Kéo Nàng, xã Lăng Can; đèo Tát Nga, Khau Cau, xã Phúc Yên… Mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyện thoại, gắn với sinh hoạt, đời sống ngàn đời của đồng bào các dân tộc nơi đây, trong đó có truyền thuyết về 99 con phượng hoàng về đậu trên 99 ngọn núi ở Thượng Lâm, sự tích về Đèo Ái Au, Đèo Kéo Nàng gắn với câu chuyện tình éo le của những chàng trai, cô gái, họ yêu nhau nhưng không nên vợ, nên chồng, để lại niềm day dứt khuôn nguôi, hay sự tích về một bà tiên hiền lành, tốt bụng đã dạy Người dân Lăng Can nghề trồng bông, dệt vải,…
Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm và lòng hồ rộng lớn là các thác nước với nhiều tầng thác, nguyên sơ: Thác Bản Lòa, Nặm Me, Khuổi Súng, Tát Ngà,… trên khu vực Hồ Lâm Bình; Thác Vằng Dân, Tát Trà, xã Lăng Can; Thác Khủng Cho, xã Hồng Quang; Thác Hang, xã Phúc Yên,… Mỗi con thác đều gắn với một truyền thuyết về nguồn gốc sinh ra và có vẻ đẹp riêng: Thác Nặm Me với 5 tầng thác dạt dào, nhẹ nhàng, tình cảm như dòng suối mẹ; Thác Khuổi Thung lúc mạnh mẽ nơi lưng trời, lúc ẩn mình trong lòng núi; Thác Bản Lòa hũng vĩ, ngày đêm đổ ào ạt xuống mặt hồ xanh thẳm; thác Khuổi Nhi nhẹ nhàng xòa trắng xóa, nơi có hàng vạn con cá sẵn sàng làm nhiệm vụ Massage cho du khách; Thác Hang, xã Phúc Yên luồn chảy trong lòng núi hơn 500 mét, lúc nhẹ nhàng, êm ái, lúc gầm gào giận dữ, tạo cảm giác như lạc vào mê cung mà không tìm thấy lối ra,… Và rất nhiều các con thác đẹp khác nữa, đang chờ du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Đặc biệt, huyện có một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người. Từng hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau, nhưng đều chung một điểm lòng hang rộng từ 50 đến 200 mét; trần hang cao từ 20 đến 50 mét; độ dài của hang từ 500 đến 1.500 mét; nhiều thạch nhũ lung linh, kỳ ảo, biến hóa, được các chuyên gia đánh giá rất cao về giá trị khảo cổ, địa chất và giá trị du lịch cần được tìm hiểu, khám phá, tiêu biểu trong số đó là Hang Khuổi Pín, hang Nặm Thuổm, hang Giếng trời, hang Khuổi Poóng, Động Song Long,…
Cùng với các danh lam, thắng cảnh, Lâm Bình còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh: Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Đền Pác Vãng, Đền Bà Chủa (Bà Chúa); Chùa Ông, Chùa Bà, Đền Nà Thếm, Hang Xum Lôm, Hang Phia Vài (nơi phát hiện 02 ngôi mộ táng có niên đại trên dưới 12 nghìn năm).
2. Về văn hóa, con người
Lâm Bình có 10 đơn vị hành chính cấp xã, 100 thôn, bản; dân số toàn huyện trên 51.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, PàThẻn 2%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có tộc Người Thủy sinh sống; tộc Người Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc riêng biệt
Lâm Bình là vùng đất đa sắc tộc, nhân dân cần cù lao động sản xuất và gìn giữ, phát triển vốn văn hoá truyền thống mang tính bản địa, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề rèn, mây giang đan, nghề làm bún cổ truyền,…), các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…). Đến với Lâm Bình, du khách sẽ cùng hòa mình vào các lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, độc đáo, thu hút đông đảo du khách tham gia như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ giã cốm, Lễ mừng cơm mới,... Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, nét đẹp văn hóa độc đáo khác nhau, song đều thể hiện khát vọng của người dân cầu trời đất, các bậc thánh thần, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt, bản làng yên vui, hạnh phúc.
Lâm Bình không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều lễ hội và phong tục độc đáo mà còn là nơi chứa đựng nét văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo hết sức lý thú và hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương như: mật ong, nấm hương rừng, chè Khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá, cá đặc sản lòng hồ,… và các món ăn đặc sản địa phương như: Thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá chua, cá mắm ruộng, xôi ngũ sắc, thịt lợn bí, cá khuy suối lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, rau rừng, thịt trâu gác bếp, da trâu khô, các loại rau rừng: nõi chuối rừng, bắp bi chuối rừng, bò khau, rau ngót rừng,… thảo dược từ rừng: giảo cổ lam, sâm đá, sâm cau, tầm gửi,… cùng với hương vị rượu ngô, rượu thóc men lá,…
.