Màn đồng diễn trang phục dân tộc, thổ cẩm.
Ngày hội sắc màu Thổ cẩm huyện Lâm Bình năm 2025, đã để lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân và du khách gần xa, thông qua màn đồng diễn trang phục truyền thống với chủ đề “Hương sắc thổ Cẩm Lâm Bình” với sự tham gia của gần 1.000 chị em là hội viên Hội liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn, đoàn viên công đoàn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Những bộ trang phục truyền thống của nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pa Thẻn rực rỡ sắc màu bên những điệu hát ngọt ngào, đằm thắm, đậm sắc thái dân tộc vùng cao đã tạo thành một vườn hoa nghệ thuật đa sắc màu hội tụ như bản giao hưởng của đoàn kết, khát vọng dựng xây một tương lai tươi đẹp mà vẫn gìn giữ vẹn nguyên những giá trị truyền thống.
Gần 1.000 phụ nữ huyện Lâm Bình tham gia màn đồng diễn trang phục dân tộc, thổ cẩm.
Tại ngày hội còn có gian hàng trưng bày các sản phẩm Thổ cẩm tiêu biểu của huyện Lâm Bình, tái hiện không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn được diễn ra bằng các hoạt động như; trải nghiệm se sợi, dệt vải, thêu thổ cẩm,vẽ sáp ong… đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật chế tác những bộ trang phục truyền thống, góp phần tạo lên chỉnh thể cho vẻ đẹp văn hoá mỗi dân tộc nơi đây. Đây cũng là nền tảng văn hoá có ý nghĩa tích cực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Màn đồng diễn trang phục dân tộc, thổ cẩm.
Anh Phạm Văn Tuấn, du khách đến từ Thành Phố Hà Nội chia sẻ: Đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên được hoà mình vào không gian văn hoá đậm bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Lâm Bình. Bản thân anh rất ấn tượng với hoạt động Ngày hội sắc màu thổ cẩm Lâm Bình, giúp anh hiểu hơn về bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số mà còn khiến anh thấy tự hào hơn vì đất nước mình có một nền văn hoá phong phú và tuyệt với đến vậy.
Nhân dân và du khách dự ngày hội
Ngày hội sắc màu Thổ cẩm huyện Lâm Bình năm 2025 khép lại đã để lại những dư âm tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách gần xa. Đây chính là hoạt động nhằm bảo tồn gìn giữ và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, quảng bá giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương./.
T/ h: Kim Thoa – Công Đại.