Di tích lịch sử đền Nà Thếm

28/09/2023 - 14:10
614

Đền Nà Thếm, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; (được xếp hạng: Di tích lịch sử cấp tỉnh) Ngôi Đền được nhân dân xây dựng để thờ ba nhân vật đã có công gây dựng nên vùng đất Khuôn Hà, đó là: Đức Quận Công (Người có công khai phá ra vùng đất Khuôn Hà) thờ Giảo Thâu Đeo Chủ kho thóc một cột Quan Văn Cửu và thờ Nàng Kéo Thếm (Người con gái bị ép duyên, để thể hiện sự thuỷ chung của mình, Nàng đã tự vẫn ở đèo Kéo Thếm). Đền Nà Thếm thể hiện ước vọng truyền đời của cư dân miền sơn cước cầu mong cho dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu, phong đăng hòa cốc.

 

     

                                                      Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Nà Thếm

Truyền thuyết về Đức Quận Công được kể rằng: “Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ XIX, quân Cờ Trắng (Bạch Kỳ quân) có nguồn gốc từ tàn quân của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) kéo sang Việt Nam. Đội quân dùng hiệu kỳ màu trắng để phân biệt với quân Cờ Đen và quân Cờ Vàng, do Bàn Văn Nhĩ và Lượng Văn Lợi cầm đầu. Sau khi đến châu Lục Yên (Tuyên Quang) quân Cờ Trắng thường xuyên tổ chức cướp phá, gây nhiều đau thương tang tóc cho nhân dân. Trước tình hình đó, tháng 02 năm 1868, Triều đình Huế đã phối hợp với quân Cờ Đen tiêu diệt lực lượng quân Cờ Trắng, trong đó có một người đã tập hợp dân làng trong vùng góp sức cùng vời Triều đình đánh tan quân cờ trắng. Sự yên bình ở vùng giáp biên giới phía Bắc được lập lại, Triều đình cắt cử người đã tập hợp dân làng cai quản vùng đất này để nhân dân yên ổn làm ăn, có điều kiện khai phá mở rộng những vùng đất mới để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế,… Do có nhiều công lao với dân làng ông đã được Triều đình phong tặng là Đức Quận Công. Dưới sự dẫn dắt của Đức Quận Công, Khuôn Hà dần trở thành vùng đất trù phú với bản làng đông đúc của đồng bào dân tộc Tày đến quần cư sinh sống.

Truyền thuyết về Giảo Thâu Đeo (chủ kho thóc một cột Quan Văn Cửu) được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân: “Sau khi tiến hành khai hoang phục hóa vùng đất mới, Đức Quận Công chia ruộng cho nhân dân canh tác và lập ra kho thóc một cột, cử Quan Văn Cửu làm chủ kho. Sau mỗi vụ thu hoạch, các gia đình được chia ruộng phải đóng góp một số lương thực thóc vào kho phòng khi mất mùa, bão lụt dẫn đến sự thiếu hụt lương thực, định mức căn cứ vào ruộng nhiều hay ít. Kho thóc một cột không chỉ là nơi dự trữ lương thực của nhân dân góp mà được Đức Quận Công và chủ kho Quan Văn Cửu sử dụng, phân phát nhằm giúp đỡ cho những gia đình còn nhiều khó khăn, người nghèo đói trong bản làng. Ngoài ra kho thóc còn cung cấp giống cho người dân gieo trồng trong vụ mùa mới”.

Truyền thuyết về nàng Kéo Thếm (một trong ba nhân vật được phối thời tại đền Nà Thếm) được kể lại: “Xưa kia ở vùng Khuôn Hà có nhà thổ ty giàu có, sinh được một cô con gái nghiêng nước nghiêng thành. Nàng rất chăm chỉ, khéo léo, người xa gần đều yêu mến. Đến tuổi cập kê, đã không biết bao nhiêu chàng trai đến ngỏ lời nhưng nàng đều từ chối bởi vì trái tim nàng đã trao gửi cho chàng trai nghèo cùng bản, nhưng bị gia đình nàng phản đối gay gắt, ngăn cản đủ đường. Nàng bị cha ép gả cho chàng trai vùng khác con nhà giàu, nhưng có ngoại hình xấu xí, chân đi bước cao bước thấp. Thấy cha nhận lời, nàng đã tuyệt thực và khóc cạn nước mắt, nhưng không lay chuyển được, sau đó nàng cùng người yêu bỏ trốn, nhưng không thành. Chứng kiến cảnh người yêu bị tra tấn bằng đòn roi, nàng đã chấp nhận điều kiện lấy người mình không yêu. Đám cưới của nàng diễn ra vui như hội, nhưng khi đoàn đón dâu đến đỉnh Đèo, nàng bỗng dừng lại và nhìn về bản làng xa xăm, sau đó nàng dùng doi quất mạnh vào lưng ngựa, cả nàng và ngựa đều lao xuống vực. Lễ cưới biến thành lễ tang, từ đó cha nàng mới tỉnh ngộ, Sau khi mất, nàng Kéo Thếm rất linh thiêng, được nhân dân thờ cúng và rước về thờ ở Đền Nà Thếm”.

                       Quang cảnh Di tích Đền Nà Thếm

Di tích Đền Nà Thếm được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn (Khoảng cuối thế kỷ XIX), được xây dựng trên một thế đất rộng, tọa sát chân núi Kéo Thếm, được bao bọc bởi dãy núi Kéo Thếm trùng điệp với nhiều huyền thoại. Khởi nguyên Đền Nà Thếm là một ngôi đền khá lớn, có kiến trúc giống ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, gồm 5 gian, 2 chái, xung quanh để trống. Sàn lửng được làm bằng ván gỗ bào nhẵn. Gian giữa là thờ cúng, ban thờ được đặt áp sát mái. Hai gian hai bên là nơi ngồi họp bàn việc làng, nơi ăn cỗ ngày lễ hội và là nơi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc của người dân trong làng. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên không còn giữ được kiến trúc khởi nguyên như ban đầu.

Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang công nhận di tích Đền Nà Thếm là di tích khảo cổ cấp tỉnh. Năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện dự án công trình tu bổ di tích Đền Nà Thếm, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà.

Ngôi Đền thể hiện giá trị văn hoá nhân văn sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hoá ứng xử của con người Việt Nam nói chung và cư dân xã Khuôn Hà nói riêng, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc./.                                              

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Lâm Bình

bình luận

Tìm kiếm

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN LÂM BÌNH

Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Thế Đạt - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Tạ Văn Cường - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Huyện Lâm Bình

Điện thoại : 02073.868.226 - Fax: 02073.868.222 - Email: ubndlambinh@tuyenquang.gov.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 73/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 01/10/2021

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang