Thầy giáo Lê Văn Ngoãn – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường trong Lễ khai giảng năm học mới
Không chỉ là một nhà quản lý, thầy Lê Văn Ngoãn còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tập thể và nhân dân bằng hành động cụ thể. Khi nhận thấy các em học sinh trong nhà trường thiếu không gian sinh hoạt chung, thay vì trông chờ vào nguồn lực cấp trên, thầy mạnh dạn đề xuất ý tưởng xây dựng nhà đa năng bằng chính nguồn xã hội hóa tại chỗ. Với phong cách gần gũi, linh hoạt và chân thành, thầy đã tự mình đến từng lớp, gặp từng phụ huynh, mở các buổi họp, trò chuyện với cựu học sinh, vận động doanh nghiệp địa phương và chính giáo viên trong trường. Mỗi lời nói thầy gửi gắm đều chứa đựng sự trân trọng và niềm tin, để rồi sau hơn 6 tháng – bằng những đồng tiền quên góp, ủng hộ từ trái tim, công trình nhà đa năng trị giá gần 500 triệu đồng đã được xây dựng hoàn thiện, hoàn toàn từ sự đóng góp tự nguyện. Đó không chỉ là thành quả vật chất, mà còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, của sự khéo léo trong công tác dân vận.
Hình ảnh cựu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tặng quà xây dựng nhà đa năng
Nhà đa năng sau khi hoàn thành
Không dừng lại ở việc xây dựng cơ sở vật chất, thầy Lê Văn Ngoãn còn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số – một hành trình đầy thử thách với một ngôi trường miền núi, nơi điều kiện về hạ tầng còn hạn chế, và không ít giáo viên, học sinh còn bỡ ngỡ với công nghệ. Thầy không chỉ quán triệt tinh thần chuyển đổi số trong từng cuộc họp mà còn đích thân chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể: từ việc triển khai hệ thống hồ sơ sổ sách điện tử, xây dựng bài giảng e-learning, số hóa hồ sơ quản lý, cho đến khai thác phần mềm học trực tuyến,... Nhờ sự gương mẫu đi đầu của thầy, tập thể nhà trường từng bước làm chủ công nghệ, biến khó khăn thành cơ hội để bứt phá.
Tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên, nhân viên.
Đặc biệt, trong vai trò là Bí thư Chi bộ, thầy Ngoãn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết nội bộ. Dưới sự lãnh đạo của thầy, Chi bộ Trường THCS&THPT Thượng Lâm luôn là một tập thể đồng nhất gắn bó và tinh thần trách nhiệm cao. Thầy thường xuyên quan tâm, động viên đảng viên trẻ học tập, phấn đấu, và không ngừng đổi mới phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Những buổi sinh hoạt chi bộ dưới sự điều hành của thầy luôn ấm cúng, gần gũi, nhưng không kém phần sâu sắc và định hướng rõ ràng.
Sự đồng thuận của cán bộ đảng viên, giáo viên, nhân viên trong công việc
Thầy Ngoãn còn là người giữ gìn và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Mỗi dịp lễ, tết, thầy cùng Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã Thượng Lâm – những người từng cống hiến cả tuổi xuân vì độc lập dân tộc. Thầy quan niệm: “Giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn là sự tử tế. Học sinh của chúng ta phải được dạy bằng những việc làm cụ thể, bằng đạo lý sống hằng ngày”.
Thăm và tặng quà gia đình có công với cách mạng
Trong các phong trào lao động, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sư phạm, thầy không ngại lăn xả cùng cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Những buổi phát cỏ quanh trường, trồng hoa, lát gạch sân, thầy đều có mặt từ sớm – tay cầm cuốc, miệng cười thân thiện. Chính từ những hành động giản dị ấy, hình ảnh người hiệu trưởng không chỉ khắc sâu trong lòng đồng nghiệp, mà còn để lại ấn tượng đẹp trong mắt nhân dân.
Giúp nhân dân vệ sinh, dọn dẹp sau cơn bão số 3
Từ mái trường vùng cao Thượng Lâm, thầy giáo Lê Văn Ngoãn đã lặng thầm viết nên câu chuyện đẹp về một người cán bộ quản lý luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, luôn lấy chữ "tâm" làm gốc và chữ "dân" làm nền trong mọi suy nghĩ, hành động. Bằng sự chân thành, gương mẫu và bản lĩnh của người đứng đầu, thầy đã lan tỏa tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức dân, trí dân để chung tay phát triển nhà trường một cách bền vững, hiện đại, nhân văn. Những việc làm của thầy không ồn ào, không phô trương, nhưng đọng lại sâu sắc trong lòng giáo viên, học sinh và nhân dân địa phương như những hạt giống của niềm tin, tình yêu thương và trách nhiệm công dân.
Tấm gương “dân vận khéo” của thầy Lê Văn Ngoãn chính là minh chứng sinh động cho chân lý: khi người cán bộ biết lắng nghe, biết đồng hành và biết đặt mình vào vị trí của nhân dân, thì mọi cánh cửa đều có thể mở ra. Trong thời đại chuyển đổi số, bên cạnh những thành tựu công nghệ, điều cần hơn cả vẫn là những con người “biết vận động bằng trái tim”, biết biến sự thấu hiểu thành hành động – như cách thầy đang làm hằng ngày, để giáo dục không chỉ đổi mới, mà còn lan tỏa giá trị tốt đẹp đến từng ngõ ngách, bản làng vùng cao.
T/h: Ma Như Trang ( Trường THCS & THPT Thượng Lâm)