Phụ nữ - Những người góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Về với Lâm Bình được xem là về miền văn hóa, với đa dạng sắc màu của cộng đồng trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có đặc trưng riêng, mà hiện nay vẫn còn rõ nét. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò chủ đạo của người phụ nữ, bằng nhiều cách khác nhau, họ đã luôn lưu giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó.

Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản, làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Ðối với người phụ nữ dân tộc Tày, ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà của mình dạy cách biết trồng bông, trồng lanh để lấy sợi dệt nên những tấm thổ cẩm, với các loại hoa văn, họa tiết khác nhau như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi để làm mặt địu, chăn, vỏ gối, làm thảm… cho mình, cho chồng con và cả những người thân yêu trong gia đình. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng tốt đẹp được duy trì qua nhiều thế hệ. Và được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Trên địa bàn huyện Lâm Bình, hiện có chị em phụ nữ ở các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm là vẫn hay dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày. Việc làm này, không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Tày, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, đồng thời giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương. 

Mô hình dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình

Những câu hát Páo dung giản dị, mộc mạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đồng bào Dao. Đó chính là tiếng lòng của người Dao mà thông qua đó họ muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước đây, làn điệu Páo dung của dân tộc Dao chỉ hát trong sinh hoạt tín ngưỡng, quá trình lao động sản xuất, Ngày hội đại đoàn các kết dân tộc ở khu dân cư, hay các buổi thi Liên hoan văn nghệ quần chúng được tổ chức ở xã, ở huyện. Những năm gần đây, nhờ ngành du lịch của địa phương phát triển, chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Dao còn đưa tiếng hát Páo dung của dân tộc mình đi tham gia biểu diễn ở các điểm du lịch cộng đồng Homestay và được nhiều du khách biết đến tìm hiểu. Đây cũng chính là một trong những cách mà chị em phụ nữ đồng bào Dao góp phần giữ gìn và phát triển làn điệu hát Páo dung của dân tộc mình.

Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Lâm Bình cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Làm sao để mỗi hội viên phụ nữ là một nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình, khách du lịch; mà hơn thế, thông qua đó để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc với bạn bè trên khắp mọi miền của Tổ quốc. 

Các bà, các mẹ dân tộc Dao truyền dạy nghề thêu cho các con cháu  

Bằng việc sắm cho mình một bộ quần áo dân tộc, chế biến những món ăn đặc trưng của địa phương, hay tham gia các trò chơi dân gian trong những ngày lễ, Tết được tổ chức ở thôn bản và truyền dạy cho con cháu biết cách thêu, dệt, cũng như hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình, chính là những cách làm mà chị em phụ nữ ở huyện vùng cao Lâm Bình đang góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục