Nỗ lực cắm bản duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở xã Xuân Lập

Xuân Lập là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn của huyện Lâm Bình. Để duy trì công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thời gian qua đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Xuân Lập đã có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi các phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt là luôn nỗ lực cắm bản, bám lớp đến các thôn bản xa xôi dạy học 2 buổi/ ngày cho các cháu, góp phần duy trì tốt tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học chuyên cần.

Năm học 2019 - 2020, cô giáo Vũ Thị Nghị được Ban Giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy lớp ghép độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi tại điểm trường thôn Khuổi Trang, với 24 cháu. Để duy trì được tỷ lệ đi học chuyên cần tại điểm trường này, cô Nghị thường xuyên tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa con đến lớp để có thời gian phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm để thu hút trẻ ra lớp như: cho trẻ hát, múa, tự khám phá để trải nghiệm. Còn việc duy trì tỷ lệ cho trẻ ăn bán trú tại trường và được học 2 buổi/ ngày, cô Nghị đã vận động phụ huynh nấu cơm đưa đến lớp cho trẻ ăn. Với cách làm như vậy nên tỷ lệ trẻ đi học ở điểm trường Khuổi Trang luôn đạt 100%. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của cô Nghị đã góp phần thu hút trẻ ở thôn Khuổi Trang đến lớp đi học chuyên cần luôn đạt tỷ lệ gần 100%

Năm học 2019 - 2020, Trường mầm non Xuân Lập có 58 cháu 5 tuổi theo học ở 6 điểm trường, trong đó có 5 điểm trường thôn bản học lớp ghép độ tuổi và 1 điểm trường chính học độc lập. Để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường đã thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đồng thời, phân công những giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có kinh nghiệm phụ trách giảng dạy các nhóm lớp 5 tuổi. Tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tiếp cận, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong soạn thảo giáo án để có những bài giảng hay, sinh động, đặc biệt là giúp học sinh dễ tiếp thu được kiến thức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ, bằng cách tổ chức cho các em học tập ngoài trời, tham quan các mô hình, vườn hoa cây cảnh ngay tại sân trường. Khai thác, sử dụng hiệu quả môi trường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có và khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng đồ chơi để phục vụ công tác dạy học và trang trí lớp học. Qua đó, nhằm tạo hứng thú cho các em học sinh thích đến trường. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn hằng ngày của các cháu, đảm bảo trẻ được ăn uống đủ các chất để phát triển khỏe mạnh. 

Giờ học tập ngoài trời của cô và trò lớp 5 - 6 tuổi Trường mầm non Xuân Lập

Tuy còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, giao thông đi lại vất vả hơn so với các xã khác trong huyện nhưng với sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ của đội ngũ giáo viên Trường mầm non Xuân Lập, tin tưởng rằng trong năm học này nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững thành quả chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tạo được lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh, có thể yên tâm đưa trẻ đến trường để tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục