Người tận tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tiền

Trong xu thế hội nhập và phát triển đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người dân tộc Dao nói riêng đã tiếp thu và đón nhận những luồng văn hóa mới phù hợp với đời sống thực tiễn nhưng đi kèm theo đó họ đang dần đánh mất đi những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trước thực trạng đó, đã xuất hiện những người thực sự tâm huyết, đam mê nghiên cứu, sưu tâm và sẵn sàng dành cả tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ, để họ hiểu và chân trọng cùng nhau giữ gìn cái hồn của dân tộc mình.

Ông Lý Văn Tàn, dân tộc Dao là Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư sinh ra và lớn lên trên chính thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang, nhìn thấy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc  mình đang bị thế hệ trẻ lãng quên và ông cho rằng lỗi đó một phần thuộc về mình. Vì thế ông đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lại những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ dân tộc Dao trong thôn, trong xã như những điệu hát Páo dung và những điệu múa trong Lễ cầu mùa và Lễ cấp sắc đó là nét đẹp, là cài hồn của một dân tộc. Đây là cách để ông Lý Văn Tàn đang giúp người Dao tiền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân nơi đây. 

Ông Lý Văn Tàn nghiên cưu, sưu tầm bản sắc văn hóa dân tộc Dao tiền

Với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và bằng tâm huyết, tình yêu đối với các giá trị văn hóa dân gian độc đáo của cha ông để lại, không cam chịu đứng nhìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị mai một theo thời gian, ông đã nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm truyền dạy cho con cháu trong nhà cũng như các thế hệ trẻ trong thôn, trong xã về ý nghĩa của từng phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và biết trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào mình. Lúc đầu ông chỉ truyền dạy cho con cháu trong nhà sau đó truyền dạy cho mọi người trong thôn và bây giờ đã có nhiều người trong xã biết đến ông và họ đã tự tìm đến với ông để học tập và xin truyền dạy. Dạy bằng hình thức “truyền khẩu” và cầm tay chỉ từng động tác. Với sự ân cần, chỉ bảo tận tình của ông đến nay đã có nhiều bạn trẻ hiểu biết và yêu thích các làn điệu hát Páo dung và múa cầu mùa truyền thống của đồng bào mình.

Ông Lý Văn Tàn vận động chị em phụ nữ đi học múa hát các làn điệu truyền thống dân tộc Dao

Vào những lúc nông nhàn, người dân trong thôn lại tập trung về nhà văn hóa thôn để được nghe ông Tàn truyền dạy, họ cùng cất lên những câu hát Páo dung đằm thắm của người Dao tiền. Cùng nhau luyện tập những điệu múa cầu mùa, múa trong Lễ cấp sắc và cùng tìm hiểu về ý nghĩa của các nghi lễ truyền thông của dân tộc mình. Cuộc sống với bao nỗi lo toan nhưng khi cất lên lời ca, điệu múa truyền thống của dân tộc đã làm tan biến đi những nỗi vất vả lo toan để nhường chỗ cho những niềm say mê và tự hào của dân tộc mình. Những nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao tiền ở thôn Khuổi Xoan nói riêng, ở xã Hồng Quang nói chung đang có sự hồi sinh và phát triển, có được kết quả như hôm nay có sự đóng góp vô cùng quan trong của ông Lý Văn Tàn.

Ông Tàn hướng dẫn đội văn nghệ của thôn luyện tập điệu múa cầu mùa

Vào những ngày Lễ, Tết ông Tàn còn đứng ra vận động bà con trong thôn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với mục đích nhằm duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc đồng thời làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân trong thôn, trong xã.  Hiên nay ông Lý Văn Tàn đã thành lập được đội văn nghệ dân gian thường xuyên tổ chức biểu diễn các tiết mục múa cầu mùa, múa cắp sắc, hát Páo dung phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch Homestay và đã tạo được ấn tượng rất tốt trong lòng du khách khi đến với Lâm Bình.

Những việc làm thiết thực của ông Lý Văn Tàn đã giúp người Dao tiền ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang nâng cao ý, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình

Những việc làm ý nghĩa và thiết thực của ông Lý Văn Tàn đã góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiêm của người dân trong việc bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Dao tiền ở xã Hồng Quang nói riêng. Qua đây đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lâm Bình đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương phát triển.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục