Lâm Bình quan tâm chăm lo đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Lâm Bình có 12 dân tộc cùng chung sống. Những năm qua đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lâm Bình đã được quan tâm, chăm lo chu đáo. Các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, đường điện, trạm y tế, trạm truyền thanh cơ sở, bưu điện,... dần được đầu tư hoàn thiện.

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở bằng quy ước thôn, bản được người dân thực hiện nghiêm túc. Ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều có quy ước thôn, bản riêng, nhưng đều hướng tới giá trị nhân văn, tốt đẹp. Các hộ gia đình đều tích cực xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, đó là bước quan trọng để xây dựng thôn, bản văn hóa. Việc giữ gìn tiếng nói, trang phục, kiến trúc, ẩm thực, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc được phát huy. Các khu dân cư đã thành lập tổ, đội văn nghệ, thể thao, tham gia biểu diễn, thi đấu vào các ngày lễ, Tết truyền thống, tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp xã và cấp huyện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như sưu tầm, phổ biến truyện cổ, tranh, thơ, ca dao, tục ngữ, trò chơi dân gian; Sưu tầm công cụ, dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, các giá trị văn hóa, tín ngưỡng,… truyền thống các dân tộc trên địa bàn được thực hiện khá tốt ở các địa phương. Hàng năm, từ huyện đến các xã đều tổ chức Liên hoan văn hóa, văn nghệ nhằm cổ vũ, động viên tinh thần cho nhân dân, đồng thời  xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Các hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa của huyện

Nhiều Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng và phát huy tốt, như Lễ hội Lồng Tông; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn,… Những người am hiểu về truyền thống, người có uy tín, nghệ nhân người dân tộc thiểu số được tôn vinh, khuyến khích, vận động, tạo điều kiện để họ truyền dạy cho lớp trẻ. Chính quyền cơ sở chú trọng thành lập các câu lạc bộ đàn Tính, hát Then, câu lạc bộ hát Páo dung,… đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trên địa bàn huyện hiện có: 05 Câu lạc bộ hát các làn điệu dân ca truyền thống, 05 đội văn nghệ phục vụ khách du lịch; 09 Câu lạc bộ thể thao, với trên 1.800 vận động viên.

Các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển

Việc triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể quan tâm, triển khai đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Hàng năm Ban Chỉ đạo Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đều xây dựng kế hoạch hoạt động, giao chỉ tiêu kế hoạch về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa cho Ban Chỉ đạo cấp xã; hướng dẫn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa; phối hợp tổ chức tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp xã, cán bộ văn hóa-xã hội, Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư về các nội dung tiêu chí bình xét và công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", Khu dân cư văn hóa; tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Điệu múa khèn của đồng bào dân tộc Mông ở xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình được giữ gìn và phát triển

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn được thực hiện nghiêm và có nhiều chuyển biến, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai, tổ chức triển khai tại thôn, bản; tuyên truyền, rà soát cắt bỏ những thủ tục rườm rà, lạc hậu và không cần thiết,… Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Tỷ lệ gia đình văn hóa, gia đình văn hóa đã tăng dần qua từng năm.  Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ hộ gia dình văn hóa chỉ đạt 64,6%, đến cuối năm 2018 tăng lên 84,7%; Tỷ lệ thôn, bản văn hóa từ 53,5% năm 2011, đến năm 2018 tăng lên 78,9%.  

Nhà văn hóa, sân thể thao ở các thôn bản và các xã đã được xây dựng

đáp ứng nhu câu vui chơi thể thao của nhân dân

Qua phong trào, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố bền vững, ý thức trách nhiệm cộng đồng được phát huy trên các lĩnh vực, bộ mặt các khu dân cư ngày càng đổi mới; nhiều gia đình từ ba đến bốn thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc, nhiều hộ vươn lên làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao, tích cực giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho người thu nhập thấp,... góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục