Lâm Bình phát huy vai trò của các tổ, đội văn nghệ quần chúng

Trong những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện vùng cao Lâm Bình đã phát triển nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia tập luyện, phục vụ các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, du khách đến địa phương… Qua đó, đã tạo sân chơi giải trí lành mạnh, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế du lịch ngày một phát triển.

Chị Nguyễn Thị Tu, Đội trưởng đội văn nghệ Vằng Dân ở tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can cho biết: Để duy trì được đội văn nghệ, hơn 20 thành viên trong đội thường xuyên dành thời gian để luyện tập và đưa ra phương hướng hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện thực tế ở đây. Hướng chính của đội văn nghệ là khai thác sâu vấn đề bản sắc văn hóa các dân tộc. Tất cả trang phục, điệu múa, bài hát đều gợi nhớ về cội nguồn xưa. Theo chị Tu như vậy mới hấp dẫn được du khách. Vì khí đến với địa phương miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, du khách lại thích tìm hiểu và khám phá nét mộc mạc, giản dị, chân chất của bà con nơi đây. 

Đội văn nghệ Vằng Dân, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch

Từ đầu năm đến nay, câu lạc bộ Hoa Mộc Miên đã tham gia biểu diễn hơn 60 lượt văn nghệ phục vụ các đoàn khách  du khách tại các cơ sở homestay và các Lễ hội, hội nghị trên địa bàn huyện. Hiện nay, Câu lạc bộ có gần 40 thành viên, chủ yếu là các em học sinh trường Tiểu học và THCS Lăng Can tham gia sinh hoạt. Cuối năm 2022, Câu lạc bộ đã được huyện tạo điều kiện, hỗ trợ mua sắm đạo cụ, nhạc cụ, trang phục, dàn dựng chương trình phục vụ khách du lịch theo Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đã tạo động lực để câu lạc bộ duy trì phát triển ngày càng có hiệu quả. 

Các thành viên Câu lạc bộ Hoa Mộc Miên chụp ảnh lưu niệm cùng du khách

Đến nay, 16/16 chi hội phụ nữ thôn, bản trên địa bàn xã Phúc Sơn đều đã có đội văn nghệ, bình quân mỗi đội thường có từ 10 đến 15 thành viên tham gia là những người có lòng đam mê, cùng sở thích yêu ca hát. Đây là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt đưa lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc thiểu số, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng tổ chức hội vững mạnh và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. 

Phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Lâm Bình đang được phát triển rộng khắp

Nhằm khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, huyện Lâm Bình tiếp tục động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian tham gia trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các đội văn nghệ quần chúng duy trì hoạt động hiệu quả, từ đó góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đến du khách khi đến với Lâm Bình.

Thuý Phượng

Tin cùng chuyên mục