Lâm Bình giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch

Dệt thổ cẩm vừa là bản sắc văn hóa, vừa là hoạt động truyền thống diễn ra thường ngày trong đời sống đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình. Sản phẩm thổ cẩm giờ đây không chỉ là những trang phục dân tộc cần được giữ gìn, bảo tồn mà người dân địa phương đã biến các sản phẩm trở thành hàng hóa thủ công đưa tấm thổ cẩm đến với nhiều nơi, nhiều người biết đến.

Từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ tày đã khéo léo may thành vỏ chăn, vỏ gối... trang trọng và lịch sự. Bên cạnh nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm dệt thổ cẩm còn được dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Nghề dệt thổ cẩm mang giá trị thuần khiết, là kết tinh văn hóa của các dân tộc. Hiện nay, tại các lễ hội, hội nghị, hội thảo, các gia đình làm dịch vụ Homestay đều trưng bày, bán các sản phẩm từ thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách thập phương.

Tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu được các chị, các mẹ khéo léo thêu dệt

Giữ nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển KT-XH. Nhận thức được điều này, huyện Lâm Bình đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch. Theo đó, các tổ chức đoàn thể như; Hội nông dân, Hội phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn nghề truyền thống, tổ chức các sân chơi, cuộc thi dệt thổ cẩm, đan lát….qua đó đã nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, hội viên. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ, tết, các sự kiện chính trị của địa phương, đơn vị... Đặc biệt, những năm trở lại đây để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ các trường học trên địa bàn huyện Lâm Bình đã quy định việc mặc trang phục dân tộc trong các ngày thứ 2, ngày kỷ niệm, lễ lớn do trường tổ chức…. qua đó đã giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc, cũng như giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của các dân tộc mà nó còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện. Để các sản phẩm thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong và ngoài huyện cần có những chính sách đầu tư, khuyến khích vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc. Có như vậy những nghề truyền thống nói chung và dệt thổ cẩm nói riêng mới phát triển bền vững./.

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục