Lâm Bình giữ gìn trang phục truyền thống của người Dao đỏ

Trong những năm qua huyện Lâm Bình đã đưa trang phục truyền thống trở nên phổ biến trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, tại các bản làng nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống, nhiều phụ nữ vẫn tự tay dệt, thêu thùa, may vá trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình.

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở xã Phúc Yên (Lâm Bình) truyền dạy cho lớp trẻ thêu trang phục truyền thống

Trước đây, một bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... nhưng ngày nay, người Dao đỏ đã lược đi những công đoạn như nuôi tằm dệt, nhuộm vải bởi mọi thứ đều có thể mua. Chính vì thế, tinh hoa văn hóa trang phục người Dao đỏ giờ chỉ tập trung vào những họa tiết thêu trên các bộ phận.  Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 4 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng…  Trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống.

Với phụ nữ người Dao Đỏ, trang phục quan trọng nhất là chiếc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen dài ngang ống chân. Áo không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao. Quần luôn cùng màu với áo gồm những hoa văn và họa tiết được thêu tỉ mỉ ở nửa dưới của hai ống quần là: Hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn... Khăn đội đầu (hay còn gọi là Goòng phà) được thêu kín các họa tiết trang trí hình tam giác, hình quả trám mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, mong muốn mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy.

Điểm nhấn tạo nên sự độc đáo trong bộ trang phục của người Dao đỏ chính là chiếc yếm trước và sau. Sau khi thêu các họa tiết hoa văn thì những người phụ nữ Dao đỏ sẽ nhờ những nghệ nhân chạm bạc có tay nghề ở làng tạo ra những vòng bạc. Khi kết hợp với một bộ quần áo hoàn chỉnh, những chiếc vòng bạc tạo nên điểm nhấn cho trang phục và ẩn chứa nhiều câu chuyện văn hóa riêng biệt của người Dao đỏ.

Phụ nữ Dao Đỏ thường tự tay làm trang phục với các công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Người con gái trước khi về nhà chồng, thường được “đặc cách” ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình. Trang phục người Dao đỏ ở (Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa), thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực; ở hai ống quần thường được thêu hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng...

Dân tộc Dao Đỏ có 2 loại quần áo, kể cả nữ, kể cả nam. Một bộ trang phục thì mặc để đi lao động sản xuất, với màu chủ đạo là màu chàm, không thêu nhiều họa tiết hoa văn. Còn một bộ sặc sỡ nhiều màu sắc, nhiều hoa văn hơn mà mọi người hay thấy là trong các dip đi dự lễ hội hoặc là nhà có công việc ví dụ như đi việc tổ chức lễ cưới này hoặc là tổ chức lễ hội hoặc là những ngày Tết Nguyên Đán gọi là những công việc lớn, trọng lễ ví dụ như cấp sắc, cấp sắc cho các con dâu, con trai thì phải mặc đúng những bộ đó thì nó mới thể hiện đúng nghĩa đúng tâm của người Dao đỏ.

Ông Ma Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Chúng tôi xác định trong thời gian tới xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể; Theo đó tập trung tuyên truyền cho bà con các dân tộc đặc biệt là dân tộc Dao đỏ  tìm mọi cách để giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Dao đỏ mình, thứ hai là khôi phục lại các loại trang phục đặc biệt là trang phục của người dân tộc Dao đỏ; đặc biệt là trang phục của nữ để duy trì bản sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.  Tiến tới chính quyền địa phương phối hợp với các già làng trưởng bản - người uy tín, đặc biệt là người dân tộc Dao đỏ; mở các lớp để truyền nghề cho thế hệ trẻ của đồng bào Dao đỏ để từ đó phát huy gìn giữ bản sắc của người Dao đỏ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian vừa qua thì huyện đã có những giải pháp, những chính sách, khuyến khích học sinh và nhân dân mặc trang phục dân tộc đặc biệt là học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường, hiện đang duy trì rất tốt trong vòng 3 năm nay. Trong các dịp lễ hội, lễ tết những ngày trọng đại của đất nước của quê hương cũng như của gia đình của dòng họ thì người  Dao đỏ cũng đã đều mặc trang phục dân tộc. Và chúng tôi vận động mỗi một người dân Lâm Bình có ít nhất một bộ trang phục của dân tộc mình; hiện nay đối với đồng bào Tày, đồng bào Dao, đồng bào Mông. Người dân cũng đã ý thức được cái việc là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình, đặc biệt là giữ gìn trang phục của dân tộc, giữ cái hồn cốt của dân tộc nên bà con cũng đã hiểu và cũng đang rất là tích cực tự nguyện và để học tập cách may cách thêu thùa cách trang trí và tìm hiểu ý nghĩa của từng bộ trang phục của dân tộc mình. Bước đầu đạt dược những tín hiệu hết sức là khả quan.

 

 

 

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục