Hiệu quả từ phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở huyện Lâm Bình

Trong 2 năm qua, mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã được các trường mầm non trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả. Mô hình giáo dục này đã lôi cuốn học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập trải nghiệm. Qua đó, hình thành và phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, khả năng giao tiếp và sự tự tin cho các em…

Là người trực tiếp dạy học theo mô hình giáo dục mới này, cô giáo Lương Thanh Liễu, Trường mầm non Thượng Lâm chia sẻ: Với mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động giáo dục và hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục đó. Vì vậy, giáo viên phải nắm rõ mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học của mô hình giáo dục này, từ đó, chủ động soạn giáo án và tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với trẻ; luôn chú ý quan sát trẻ, chủ động gần gũi, lắng nghe chia sẻ, cảm nhận của trẻ; tích cực làm đồ dùng trực quan để phục vụ hoạt động học tập của trẻ…Thực tế giảng dạy cho thấy, mô hình giáo dục mới không chỉ giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều hoạt động học tập đa dạng phong phú mà còn tạo cơ hội để các em được bộc lộ cảm xúc, nhận định của mình; đặc biệt, khả năng tư duy, giao tiếp và vốn ngôn ngữ của các em đều được phát triển. Ngoài ra, các em còn được rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và ý thức làm việc nhóm.

                        Với phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, các em đã được trải nghiệm                                                                                        nhiếu hoạt động học tập đa dạng, phong phú

Năm học 2017 - 2018, là năm học thứ 2 các trường mầm non trên địa bàn huyện áp dụng mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Để thực hiện tốt mô hình này, các trường mầm non đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và Hội phụ huynh học sinh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi học tập và tổ chức các hoạt động ngoại khóa như Hội chợ quê, xây dựng góc học tập sáng tạo theo từng chủ đề. Từ đó, giúp các em được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phảỉ. Cùng với đó, cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức để nắm rõ về nội dung, mục đích, yêu cầu của mô hình giáo dục mới; chỉ đạo giáo viên chủ động, tích cực xây dựng môi trường trong lớp đáp ứng với mô hình giáo dục thí điểm, đồng thời, soạn giáo án và tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị giúp học sinh vừa học, vừa chơi, đạt hiệu quả cao…Sau 2 năm thực hiện mô hình, chất lượng giáo dục ở các lớp áp dụng mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được nâng cao; học sinh yêu thích, hứng thú đến trường học tập, nên tỷ lệ trẻ chăm ngoan, chuyên cần tăng; khả năng tư duy, sáng tạo, khả năng giao tiếp và sự tự tin của trẻ được rèn luyện và phát triển”.

Việc tổ chức nhiều hoạt động vừa học, vừa chơi đã giúp các em yêu thích đến trường học tập

Có thể thấy, mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm khác với truyền thống là giáo viên không truyền đạt kiến thức mà tạo ra điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động, sáng tạo. Bởi vậy, trong những năm học tới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Lâm Bình sẽ quyết tâm đổi mới môi trường giáo dục, góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để không ngừng nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục