Dạy học ở vùng cao

Với mỗi giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa, việc dạy học ở những vùng khó khăn đều gặp nhiều gian nan, thử thách. Mỗi thầy cô giáo ở huyện vùng cao Lâm Bình vẫn đang vượt lên tất cả, nỗ lực từng ngày gieo chữ trên miền đất khó.

Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập, huyện Lâm Bình, một ngôi trường đặc thù nằm ở vùng 135, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, điều kiện đi lại còn khó khăn, tuy nhiên, vẫn có những thầy cô cố gắng bám trường, bám lớp, mang từng con chữ đến các em nhỏ ở đây. Cô giáo Quân Thị Trầm đã dạy học ở điểm trường này gần 5 năm, tuy nhiên chưa một lần cô có ý định chuyển trường, bởi thời gian dạy học ở đây đã tôi luyện cô cứng rắn hơn. Bên cạnh đó, các em học sinh ở đây rất ngoan ngoãn và nghe lời, đó mới là lý do chính giữ chân cô ở lại.

Năm học 2020 – 2021, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập có hơn 300 học sinh ở 2 bậc học. Thời gian qua, nhà trường đã nỗ lực huy động học sinh ra lớp, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để duy trì sĩ số. Công tác vận động học sinh đến lớp mất khá nhiều thời gian của giáo viên nhưng điều đó giáo viên không quản ngại mà luôn cố gắng để các em có cơ hội được đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho các thầy cô giáo trong việc trang cấp đầy đủ các thiết bị dạy học ở điểm trường.

Giờ học của Thầy và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập

Với những nỗ lực của các thầy cô giáo, cùng ý thức tự giác của học sinh, việc học của các em phần nào được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là trong việc duy trì và dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Có thể nói, hành trình gieo chữ ở vùng cao huyện Lâm Bình tuy còn nhiều khó khăn, song đã mang lại những kết quả bước đầu trong dạy và học. Cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành đến công tác dạy học ở vùng cao, để các thầy cô giáo ở đây dễ dàng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục