Gia tăng các trường hợp công dân trên địa bàn huyện Lâm Bình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê

Tình trạng công dân trên địa bàn huyện Lâm Bình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê ngày càng có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người lao động, tạo ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội và gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê từ đầu năm 2018, đến nay, lực lượng Công an huyện Lâm Bình đã ghi nhận 07 trường hợp xuất cảnh trái phép; 19 trường hợp công dân nghi xuất cảnh trái phép; 24 trường hợp xuất cảnh trái phép quay trở về địa phương. Tập trung nhiều nhất ở các xã Thổ Bình, Bình An, Xuân Lập, Lăng Can và Phúc Yên.

Các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tập trung chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, người lao động chính của gia đình, có nhận thức pháp luật chưa đầy đủ đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, tăng thêm thu nhập; do đó, các đối tượng “Cò mồi lao động” tập trung dụ dỗ, lôi kéo đi lao động trái phép và yêu cầu phải nộp tiền phí cho việc dẫn đường và kiếm việc làm ở Trung Quốc; đồng thời, chúng còn chủ động thỏa thuận mức lương với các chủ cơ sở kinh doanh, công ty Trung Quốc ăn chênh lệch, lừa đảo tiền công của người lao động, cá biệt có một số ông chủ Trung Quốc chủ động nợ tiền công của người lao động từ 02 đến 03 tháng, sau đó báo cáo cơ quan chức năng phía Trung Quốc kiểm tra, buộc người lao động phải bỏ tiền công, chạy về nước, hoặc bị các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu tài sản và phạt đi lao động công ích từ 02 đến 04 tháng, sau đó trao trả, đẩy đuổi về nước.

 Thông qua hoạt động đấu tranh, khai thác, gọi hỏi của lực lượng Công an cho thấy đa số công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc chủ yếu do bị các đối tượng cò mồi lao động, hoặc thông qua người thân đã nhiều lần sang Trung Quốc làm thuê dụ dỗ và tổ chức cho người lao động bắt xe khách lên các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, sau đó đi qua đường tiểu ngạch rừng, núi hiểm trở, vượt sông.., nhằm tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng hai nước, sau đó đi xe khách vào sâu trong nội địa tìm việc làm.

Công việc chính của người lao động khi sang Trung Quốc chủ yếu làm trong các xưởng sản xuất đồ nhựa, chế biến gỗ, khai thác rừng, phụ hồ.. và phải sống trong các khu nhà tạm bợ, ẩm thấp, hoặc các lán trại tạm bợ dựng ngoài bìa rừng, thời gian làm việc từ 16 đến 18 tiếng/ ngày; đặc biệt người lao động không được ký hợp đồng lao động và không được hưởng các chế độ bảo hiểm khi đau, ốm hoặc bị tai nạn rủi ro... Do phải làm công việc nặng nhọc, độc hại trong nhiều giờ, điều kiện sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Cán bộ Công an huyện Lâm Bình khai thác, gọi hỏi các công dân có hành vi xuất cảnh trái pháp luật

 Ngoài ra, việc xuất cảnh để lao động trái phép là việc làm vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến ANTT và quy chế bảo vệ biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đối với người lao động nhiều trường hợp bị lừa bịp trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người làm gái mại dâm, bị bóc lột sức khỏe, hành hạ thể xác, hằng ngày phải tiếp khách liên tục và không ít người bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, cá biệt đã có trường hợp đi lao động trái phép ở Trung Quốc bị chết, điển hình như trường hợp của chị Bàn Thị Tuyên, sinh năm 1993, trú tại thôn Nà Xé, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, do không có thủ tục, hợp đồng lao động hợp pháp nên khi bị chết các cơ quan chức năng không thể bảo hộ quyền lợi, cũng như các khoản bồi thường từ phía với chủ sử dụng lao động phía Trung Quốc.

          Từ năm 2011, đến nay lực lượng Công an huyện Lâm Bình đã phối hợp với phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang đấu tranh triệt phá các đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; trong đó đã khởi tố đối tượng Ma Thị Huệ, sinh năm 1984, trú tại thôn Làng Ải, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa và Hoàng Văn Nhiệm, sinh năm 1987, trú tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình về hành vi Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài được quy định tại Điều 275 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Sau khi đấu tranh làm rõ các hành vi phạm tội, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt đối tượng Ma Thị Huệ 5 năm 6 tháng tù giam và 5 năm tù giam đối với Hoàng Văn Nhiệm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài được quy định tại Điều 275 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Trong 06 tháng đầu năm 2018, Công an huyện đã phối hợp với phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Tuyên Quang bắt 02 đối tượng theo Quyết định truy nã của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đối với Phùng Vinh Sơn, sinh năm 1993 và Đặng Tài Kim, sinh năm 1996 trú tại thôn Tân Lập, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, được quy định tại Điều 275 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, Công an huyện còn tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 trường hợp công dân có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Từ thực tế trên, chúng tôi khuyến cáo người dân khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm nên lựa chọn đi lao động hợp pháp tại các công ty trong nước, nếu đi lao động nước ngoài phải làm thủ tục xuất, nhập cảnh, giấy phép thông hành của các của cơ quan nhà nước theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện để được tư vấn, giới thiệu việc làm./.

 

Chẩu Diệm - Công An huyện Lâm Bình

Tin cùng chuyên mục