Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2019: “Bứt phá”, “Tăng tốc” trong thực hiện nhiệm vụ

gày 08/01, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí là Lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án ở địa phương và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp tham dự.

Công tác tư pháp có nhiều điểm sáng

Phóng sự về kết quả công tác tư pháp năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019 cho thấy Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc.
Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện. Chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước.

 Công tác PBGDPL xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả. Thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao, thi hành án hành chính dần đi vào nề nếp. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang phát triển khá nhanh; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương từng bước được kiện toàn, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc giải quyết tranh chấp đầu tư đạt nhiều kết quả cụ thể; hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục tạo được những dấu ấn quan trọng. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Toàn ngành tập trung 05 phương hướng, 08 nhiệm vụ trọng tâm

Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời bám sát phương châm hành động của Chính phủ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung vào 05 phương hướng và 08 nhiệm vụ trọng tâm.


Theo đó, Ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 và chủ động triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành; Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự; theo dõi thi hành án hành chính; Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; Thực hiện các giải pháp phát triển các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng bảo đảm hài hòa giữa xã hội hóa và công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021; Tập trung kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII và các yêu cầu của Chính phủ bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; Tập trung bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và tổ chức triển khai thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban Công ước; Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành, mở rộng việc sử dụng chữ ký số...

 

 

Phải có định hướng lâu dài đối với vấn đề thể chế

Nhất trí cao với Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 của Bộ Tư pháp, nhiều đại diện từ địa phương quan tâm đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật ở địa phương. Theo đó, vẫn còn nhiều bất cập trong vấn đề xây dựng thể chế như việc ban hành văn bản chậm trễ, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương; vai trò của các tổ chức pháp chế và vấn đề tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong công tác điều hành ở địa phương…

Lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng là vấn đề được nhiều đại diện của địa phương quan tâm. Qua thực tiễn hoạt động về lĩnh vực công chứng, một số đại diện cho rằng, giải pháp lâu dài cần sửa đổi Luật Công chứng trong đó nâng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập Văn phòng công chứng trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu về giao dịch dân sự của người dân và xã hội tránh tình trạng số lượng tăng đột ngột, gây khó khăn trong quản lý.

Đánh giá cao công tác của Bộ, ngành Tư pháp năm 2018, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định xây dựng thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng trong 6 nhiệm vụ cải cách hành chính. Đồng chí khẳng định, nhiều quốc gia, nhờ có thể chế tốt mà giàu có, phát triển, do đó, vấn đề thể chế phải có định hướng phát triển lâu dài, nếu không văn bản QPPL sẽ có tuổi thọ rất ngắn. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, giải pháp trước tiên là phải nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL, việc xây dựng phải đồng bộ, bám sát nhu cầu thực tế và có định hướng lâu dài. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thời gian tới. Để pháp luật đi vào cuộc sống, theo Bộ trưởng phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn bản QPPL; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Bộ Tư pháp  với Văn phòng Chính phủ, với các cơ quan của Quốc hội; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến về pháp luật, tập trung xử lý văn bản QPPL trái pháp luật hoặc chưa phù hợp.

Cải cách mạnh mẽ, quyết liệt ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực đặc biệt là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh

Điểm lại các kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai công tác một cách toàn diện, kết quả vượt mức chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao cả số lượng và chất lượng, thành công chung của đất nước có sự đóng góp trực tiếp của Bộ, ngành Tư pháp. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những kết quả toàn ngành Tư pháp đạt được thời gian qua cũng như sự sôi nổi, trách nhiệm, toàn diện của Bộ trưởng Lê Thành Long trong tổ chức hoạt động Bộ Tư pháp.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế như: Tình trạng nợ đọng văn bản; tình trạng xin rút xin lùi, theo Thủ tướng đây là khuyết điểm chung của cả hệ thống chứ không phải của riêng ngành tư pháp, nhưng cán bộ tư pháp, pháp chế phải giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, phải tăng cường đôn đốc, không để tình trạng “bắc nước chờ gạo” mà nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh.
Nhắc lại một số sai phạm được phát hiện trong thời gian qua như vi phạm về đất đai, tài sản công, vụ AVG, Thủ Thiêm… Thủ tướng trăn trở: “cán bộ pháp chế với tư cách người gác gôn về pháp luật nghĩ gì, đã làm hết trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý nhưng lãnh đạo không nghe, có vấn đề gì trong tham mưu không?”… Bên cạnh đó, hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn nhiều, hiện tượng "nhờn luật" khá phổ biến ở một số lĩnh vực như an toàn giao thông, từ đó Thủ tướng đặt câu hỏi cho các bộ, ngành, địa phương, đó là: Giải pháp đột phá nào để thực thi pháp luật trong toàn quốc và địa bàn của mình. Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ ra hoạt động của một số nghề bổ trợ tư pháp còn tiềm ẩn phức tạp;  Tham gia tranh tụng quốc tế tuy cố gắng nhưng ở địa phương còn bị động, Án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan Tư pháp địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa thống nhất…

 

Xác định năm 2019 là năm chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và chuẩn bị cho thập niên tiếp theo. Thủ tướng đề nghị, phải cải cách mạnh mẽ, quyết liệt ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực đặc biệt là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh để cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước.  Năm 2019 và các năm tiếp theo phải thật sự “bứt phá”, “tăng tốc” thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016-2020, Từ đó, Thủ tướng gợi ý Bộ Tư pháp cần xác định tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phải là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật và là “người gác gôn” của Chính phủ trong vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Bộ, ngành Tư pháp tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 và  Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; cùng với nhiệm vụ thường xuyên, cần làm tốt những việc như:

 


Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp;

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, chú trọng công tác hệ thống hóa, pháp điển hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiến tới giảm bớt tính tầng nấc, cồng kềnh của hệ thống pháp luật;

Nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt là bảo đảm tính đồng bộ, khả thi;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật;

Đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp;
Phương châm tư pháp hướng về cơ sở, tư pháp vì dân, gần dân cần đặt ra rõ nét hơn trong thực thi. Muốn làm được đó, theo Thủ tướng phải hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng, đào đạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ nhất là Nghị quyết TW 4 và Quy định số 08 về nêu gương.
Cuối cùng, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm đến cán bộ pháp chế, tư pháp, cố gắng lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ. Thủ tướng rất chia sẻ với cán bộ pháp chế, tư pháp vì nhiệm vụ rất lớn, rất nặng nề, nhưng chính sách, chế độ còn nhiều khó khăn. Nhắc lại lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950 đó là, Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, dốc lòng thực hiện pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của nước ta, Thủ tướng đề nghị nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó để thực hiện bứt phá nhiệm vụ của năm 2019 hơn hẳn kết quả của năm 2018.
 

Trước đó, cũng tại Hội nghị, một số danh hiệu thi đua, khen thưởng đã được công bố và trao tặng cho các tập thể, cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bộ, ngành, theo đó:
Cờ thi đua của Chính phủ được trao cho 5 tập thể: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Thanh tra Bộ.

 


Cờ thi đua ngành Tư pháp được trao cho 10 đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Báo Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Thanh tra Bộ) và cho 23 Sở Tư pháp (Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, TP HCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Phú Thọ, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Hải Dương, Bình Dương, Gia Lai, Hà Nội, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Bắc Kạn, Quảng Ngãi).

 

Hội nghị cũng công bố và trao Quyết định công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp năm 2018 cho 16 tập thể và 15 cá nhân; công bố Quyết định công nhận Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp cho 3 cá nhân khối các đơn vị thuộc Bộ; trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 51 tập thể, 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục