Những thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Bằng ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, bước đầu đạt được những thành công nhất định trên con đường lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương.

“Tưới tắm”giấc mơ lập thân lập nghiệp

Đến huyện vùng cao Lâm Bình, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi ở nơi “thâm sâu” dưới chân đèo Khau Lắc có dây chuyền sản xuất gạch không nung và kinh doanh vật liệu xây dựng trị giá hàng tỷ đồng của chàng trai trẻ dân tộc Tày Hoàng Văn Khiêm, thôn Chẩu Quân, xã Bình An. Để có cơ ngơi như vậy, Khiêm đã trải qua quãng thời gian kiên trì, bền chí, quyết tâm thoát nghèo. 


Anh Hoàng Văn Khiêm (bên trái) kiểm tra những viên gạch không nung
trước khi xuất xưởng bán cho khách hàng.

Khiêm nghĩ: “Dù vùng đất quê anh còn nghèo khó nhưng nếu biết tận dụng thì vẫn có cơ hội cho những thanh niên trẻ như Khiêm lập nghiệp”. Năm 2015, Khiêm mạnh dạn vay người thân 70 triệu đồng khởi nghiệp, anh sử dụng 1.000 m2 đất của gia đình làm xưởng sản xuất gạch không nung. Do chưa có kinh nghiệm nên gạch sản xuất ra không đạt chất lượng, mất niềm tin nơi khách hàng. Sau thất bại, anh dày công nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân thất bại là do nguyên liệu sản xuất gạch được nghiền từ sỏi suối có độ kết dính không cao nên chất lượng gạch sản xuất không đảm bảo. Anh chuyển hướng sang dùng bột đá xay, cân đối lại tỷ lệ các thành phần nhào trộn và tạo ra được những viên gạch vuông, có độ bền, khả năng chịu lực rất cao. 

Lúc Khiêm tìm được bí quyết sản xuất thì cũng là lúc nguồn vốn tái đầu tư cạn kiệt. Thiếu vốn, anh huy động bạn bè hùn vốn làm chung. Đồng thời dự án khởi nghiệp của anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vay 150 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với lãi suất chỉ 0,27%/tháng. Số tiền được hỗ trợ như nguồn nước “tưới tắm” cho giấc mơ lập thân, lập nghiệp của anh đơm hoa, kết trái. Những viên gạch tốt được cung ứng ra thị trường từ 30 - 35 vạn gạch/năm, doanh thu đạt 600 - 700 triệu đồng. Khách mua gạch lại có nhu cầu mua cát, sỏi, sắt, thép, xi măng..., anh liền tìm mối và kịp thời cung cấp với giá cả hợp lý. Nhờ vậy, doanh thu bán hàng ngày càng tăng, đến năm 2017, 2018 tăng lên 1 - 1,3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 3 - 5 lao động địa phương có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Con đường lập nghiệp của chàng trai dân tộc Tày, Quan Văn Tiệp, tổ 3 phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đầy gian nan. Anh Tiệp bảo, anh vốn quê ở xã Trùng Khánh (Na Hang) di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, anh từng làm ở một công ty có thu nhập khá nhưng bỏ về chăn nuôi hươu lấy nhung khiến cha mẹ, người thân không đồng tình. Vậy nên, khi anh gây dựng cơ sở nuôi hươu không được ai giúp đỡ, anh phải bán cả chiếc xe máy đang đi để có tiền mua 3 con hươu giống và xây dựng chuồng trại.

Đến giờ thì mô hình nuôi hươu của anh đã thành công, bố mẹ anh không còn nghi ngờ nữa. Để tìm đầu ra cho sản phẩm nhung hươu, anh đã khảo sát nhu cầu của khách hàng trong, ngoài tỉnh và liên kết với một số công ty, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận là Hà Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Anh duy trì đàn hươu 30 - 70 con, sản phẩm nhung hươu và hươu thịt, hươu giống của gia đình anh không đủ bán, mỗi năm cho thu lãi 600 triệu đồng. Mới đây anh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh mới mua thêm 1.000 m2 đất để xây dựng thêm trang trại nuôi hươu; phát triển lên gần 1 mẫu đất trồng cỏ cho hươu ăn. 


Chị Hoàng Thị Thu Hiền (bên phải) đưa sản phẩm trứng vịt hồ Lâm Bình
tham gia Hội chợ thực phẩm sạch tại Hà Nội.  

Làm nông sản sạch

Từ năm 2015, cô gái người Na Hang Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Chính Kiệt đã âm thầm đầu tư vài tỷ đồng cho người dân vùng quê Lâm Bình, đưa nông sản sạch ở đây trở thành sản phẩm có uy tín và được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Trong đó, thương hiệu “Trứng vịt hồ Lâm Bình” do chị xây dựng đã được cấp nhãn hiệu và có mặt tại khắp thị trường. Chị Hiền chia sẻ, cái may mắn của chị là khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chị tiếp cận được với Quỹ cạnh tranh doanh nghiệp từ Dự án TNSP. Nguồn quỹ này giúp công ty đầu tư ngược trở lại cho người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn. Giờ đã có gần 30 hộ liên kết chăn nuôi, quy mô trên 5.000 con vịt, mỗi ngày vịt đẻ 4.000 quả trứng và được chị thu mua toàn bộ. Công ty chị ngoài bán và giới thiệu sản phẩm trứng vịt hồ Lâm Bình, chị còn đưa nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương như măng khô, bún khô Đà Vị, rượu ngô Na Hang, miến dong Lực Hành đến với khách hàng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Mới 29 tuổi nhưng gia tài của chàng trai dân tộc Tày Lương Tuấn Đại, Ủy viên BCH Đoàn xã Tân Thành (Hàm Yên) khiến nhiều người mơ ước. Anh Đại hiện là ông chủ của một vườn cam hơn 2.000 gốc, rộng 4 ha với doanh thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Từng là học sinh giỏi toàn diện, Đại được gia đình đặt nhiều hy vọng, mong ước anh sẽ đậu một trường đại học danh tiếng… Thế nhưng, sau tốt nghiệp THPT anh lại chọn ngay con đường lập nghiệp gắn bó với nghề nông của bố mẹ. Anh Đại khoe, 3 năm nay năm nào anh cũng thu hoạch xấp xỉ 100 tấn cam. Năm 2017, anh chuyển đổi trồng, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP nên thương lái khắp nơi tìm đến tận vườn thu mua với giá 10 - 12 nghìn đồng/kg. Anh Đại đã hướng dẫn kỹ thuật trồng cam VietGAP cho nhiều thanh niên khác trong xã. Anh là tấm gương để các đoàn viên trong xã vươn lên làm kinh tế giỏi. Hiện anh còn nuôi 300 - 500 con gà và 8 con trâu.

Bằng sự sáng tạo và khát khao chiến thắng hoàn cảnh, những thanh niên dân tộc thiểu số đã có những bước đi vững chắc trên con đường lập thân lập nghiệp, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục