Xã Bình An quan tâm đời sống đồng bào các dân tộc

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Bình An, huyện Lâm Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trong những năm qua, gia đình anh Cháng A Chính, cùng với các hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nà Coóc luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền xã Bình An. Để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, cùng với việc thường xuyên được tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất trong các mùa vụ, gia đình anh còn được các tổ chức đoàn thể của xã hướng dẫn tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chịu thương, chịu khó đến nay đàn bó của gia đình anh đang phát triển tốt, giúp cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định. 

Anh Cháng A Chính chăm sóc đàn gia súc của gia đình

Bình An là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số với trên 90% số dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao. Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội của các hộ đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, xã đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của những người đứng đầu thôn bản, người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực đầu tư, ưu tiên giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ năm 2018 đến nay, xã Bình An đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn thuộc các Chương trình 30a, Chương trình 135 nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản và chăn nuôi trâu sinh sản cho các hộ gia đình thực hiện dự án. Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã cũng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, thủy lợi, Trạm y tế xã, trường học nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân… Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,65% năm 2016 xuống còn 70,60% năm 2018.

Thời gian tới, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách dân tộc, các gương điển hình tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trong học tập, lao động sản xuất, nhằm tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi. Tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao trình độ dân trí; lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục