Sản phẩm OCOP mây tren đan Lâm Bình thân thiện với môi trường

Phát huy lợi thế của địa phương, Hợp tác xã Nhật Minh, xã Khuôn Hà, (Lâm Bình) được thành lập vào cuối năm 2018, nhằm đưa những sản phẩm mây tre đan, do chính người dân ở huyện Lâm Bình, tự tay đan lát đến với thị trường. Hợp tác xã ra đời góp phần khôi phục những giá trị văn hoá đan lát của dân tộc Tày, giúp người dân nơi đây có việc làm và tăng thêm thu nhập, hướng tới phát triển kinh tế từ chính những sản phẩm đặc trưng của quê hương. Năm 2020, sản phẩm mây tre đan của HTX Nhật Minh đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Sản phẩm mây tre đan của HTX Nhật Minh

Từ đôi bàn tay khéo léo của người nông dân Tày, những chiếc thìa, dĩa nhỏ xinh sẵn; những chiếc cốc, chén tiện dụng; và những chiếc giỏ, làn, khay lạ mắt, ra đời Mộc mạc mà cuốn hút, giản dị nhưng vẫn phong cách; thiết kế độc đáo sang trọng, đó là sức hấp dẫn đặc biệt của những sản phẩm này của HTX Nhật Minh. Đặc trưng nổi bật của các sản phẩm là được làm bằng chất liệu tre, nứa, 100% sản xuất không hoá chất, sản phẩm có thời gian sử dụng bền, bỏ đi dễ phân huỷ, sản phẩm rất thân thiện với môi trường đã “vươn xa” đến Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Sài Gòn… Thời điểm này, do nhận được nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn, nên hợp tác xã đã phải huy động nhiều lao động tham gia sản xuất trực tiếp tại xưởng.

Khâu sản xuất thủ công để làm ra các phẩm từ tre và nứa 

Bằng bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã dùng tre để tạo ra những sản phẩm thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Tre chỉ lấy đúng những thân già, không chặt trụi cả bụi, cây tế thì chọn từng cây, không cắt hết một lượt. Nguyên liệu được tận dụng triệt để, những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, cũng tạo hình thành những chiếc dao cắt bánh gato nhỏ xinh. Tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, dự án về mây tre đan của Hợp tác xã Nhật Minh được chứng nhận là dự án tiêu biểu toàn quốc. Hiện nay hợp tác xã đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động là người dân địa phương trong huyện và đây là sản phẩm thân thiện với môi trường có nguồn gốc từ tre, mây, nứa, guột…

Một số sản phẩm tại gian trưng bày

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường của Hợp tác xã đã vươn xa đến Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Sài Gòn… Để hỗ trợ Hợp tác xã bớt khó khăn trong giai đoạn mới thành lập, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, năm 2019 UBND tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thảo mộc Lâm Bình”, hỗ trợ Hợp tác xã bảo hộ sản phẩm và khẳng định vị trí của sản phẩm trên thị trường./.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục