Phụ nữ xã Bình An giúp nhau phát triển kinh tế

Xác định địa phương là xã còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình An đã tích cực vận động hội viên đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua phong trào, cán bộ, hội viên phụ nữ đã nâng cao nhận thức, chủ động áp dụng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vươn lên ổn định cuộc sống. Đời sống của chị em được cải thiện và từng bước nâng lên, đã góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Nhận thấy trong thôn có nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị Giàng Thị Nga hội viên chi hội phụ nữ thôn Tiên Tốc, xã Bình An đã bàn với chồng, mạnh dạn làm theo, với mỗi lứa nuôi từ 3 con trâu trở lên. Để duy trì được mô hình chăn nuôi này, chị đã trồng cỏ VA06, tích trữ rơm rạ trong các mùa vụ sản xuất và trồng thêm cây ngô vụ Đông xuống ruộng 2 vụ lúa để có thêm nguồn thức ăn cho trâu. Ngoài chăn nuôi trâu, chị còn mở cửa hàng tạp hóa, phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn. Đến nay, thu nhập bình quân sau khi đã trừ chi phí của gia đình đạt khoảng 50 triệu đồng/ năm. 

Chị Giàng Thị Nga duy trì có hiệu quả mô hình chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Hội Phụ nữ xã Bình An hiện có 470 hội viên, chị em chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, tỷ lệ hội viên hội phụ nữ nghèo của xã khá cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào hoạt động của tổ chức hội. Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ xã Bình An xác định, muốn xóa được đói, giảm được nghèo, nâng cao mức sống cho hội viên thì trước hết phải đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích hội viên tham gia các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, Hội đã hỗ trợ chị em phát triển kinh tế thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát triển kinh tế hộ gia đình. Phối hợp với các ngành chuyên môn, hướng dẫn hội viên về khung thời vụ gieo trồng, về các loại cây, con giống phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Bên cạnh đó, để giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình An đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, đồng thời vận động chị em thực hành tiết kiệm, tự tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi kinh doanh dịch vụ và trồng rừng. Có kiến thức, kỹ năng, được vay vốn và được giúp đỡ về giống, ngày công nên nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống mới về sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình An đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế  đã và đang được nhận rộng như: chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo, trồng rừng, kinh doanh hàng tạp hóa…

Có thể nói, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình An trong phong trào phát triển kinh tế, đã không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục