Ngân hàng Chính sách xã hội Lâm Bình phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo

Với 17 chương trình tín dụng chính sách, những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Lâm Bình đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với UBND các xã, thường xuyên rà soát nhu cầu và tổng hợp nhu cầu vay vốn trình NHCSXH cấp trên giao chỉ tiêu kế hoạch và thực hiện phân khai chỉ tiêu kế hoạch cho các xã để thực hiện cho vay, đảm bảo không tồn đọng, lãng phí vốn. Đơn vị đã chủ động phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội của huyện chỉ đạo hội đoàn thể cấp xã, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 8/8 xã. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, kiện toàn lại tổ TK&VV, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Đồng thời, phối hợp cùng NHCSXH tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình cho vay, đối chiếu dư nợ, quản lý đôn đốc thu hồi nợ gốc, nợ lãi, đặc biệt, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng, lãi tồn lâu ngày nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.

Mô hình nuôi ếch của Cựu chiến binh, bệnh binh Ma Công Tứ ở thôn Tân Hoa, xã Bình An được vay vốn 50 triệu đồng

Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển kinh tế theo quy mô kinh tế hộ gia đình đạt được hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi trâu, bò sinh sản của gia đình ông Đặng Văn Là, ông Ma Công Hùng, Ma Thị Mến ở xã Thổ Bình...; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của gia đình ông Vi Đức Toàn, Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông xã Thượng Lâm....; mô hình  nuôi lợn đen, dê, gà, vịt đẻ trứng,… của gia đình Ông Trịnh Văn Đoàn thôn Nà Thếm xã Khuôn Hà, Nguyễn Thị Liên thôn Nà Khà xã Lăng Can, Quan Thị Tủ thôn Nà Ráo xã Khuôn Hà....) trồng rau bò khai, rau Giảo cổ lam, rau ngót rừng, trồng rừng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Nhật, ông Hoàng Ngọc Chỉ thôn Nặm Đíp Lăng Can, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Na, thôn Nặm Chá Lăng Can…theo định hướng 5 cây 3 con của UBND huyện; nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng thêm cửa hàng, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, mua sắm thêm máy móc thiết bị, công cụ lao động phát triển tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Trong 05 năm qua nguồn vốn chính sách đã tăng lên 83.152 triệu đồng, dư nợ tăng 73.329 triệu đồng, đã giúp cho 5.687 lượt hộ nghèo, 1.372 hộ cận nghèo và 460 hộ mới thoát nghèo có thêm việc làm tăng thu nhập; tạo điều kiện cho 116 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải các nhu cầu thiết yếu phục vụ cho học tập; xây dựng được trên 2.226 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Những kết quả trên đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và sự phát triển chung của hệ thống NHCSXH.

Mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo của anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình được thực hiện nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục cụ thể như sau: Công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của NHCSXH ở một số Tổ TK&VV, Hội đoàn thể cấp xã còn chưa kịp thời. Do vậy, còn một bộ phận hộ nghèo và đối tượng chính sách khác chưa biết hoặc nhận thức chưa đúng về chính sách tín dụng ưu đãi dẫn đến việc tham gia, chấp hành nghĩa vụ khi vay vốn ngân hàng chưa đầy đủ. Sinh hoạt Tổ TK&VV còn hình thức, đơn điệu, chủ yếu tập trung đôn đốc việc trả nợ và thực hiện thu lãi; việc hướng dẫn, giúp đỡ, giám sát lẫn nhau giữa các tổ viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế chưa được thường xuyên và có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác của Hội cấp trên đối với cấp dưới, nhất là việc kiểm tra đối với các Tổ TK&VV, kiểm tra việc hộ vay sử dụng vốn chưa thường xuyên, chất lượng kiểm tra chưa cao; hiệu quả sử dụng vốn ở một số hộ còn thấp. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và NHCSXH trong quá trình tổ chức thực hiện, trao đổi, chia sẻ thông tin có lúc, có nơi chưa kịp thời.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Chuc Thị Nải, thôn Đon Bả, xã Lăng Can được vay vốn 100 triệu đồng

Để hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích trong thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xác định một số giải pháp cụ thể cho giai đoạn tiếp theo là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ; tập huấn cho Hội đoàn thể cấp huyện, xã, Ban quản lý Tổ TK&VV, các hội viên vay vốn và nhân dân về các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; những quy định thủ tục cho vay của NHCSXH; những gương điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác, trong sử dụng vốn vay… bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả. NHCSXH và chính quyền cơ sở thường xuyên củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn về tổ chức thực hiện ủy thác, định kỳ kiểm tra sử dụng vốn vay tại các hộ vay vốn thường xuyên không phát sinh giao dịch trả nợ với ngân hàng để kịp thời nắm bắt, phát hiện những trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. 

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục