Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình chung tay xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối năm 2019, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình đã đạt tổng nguồn vốn gần 290 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ các chương trình tín dụng đã triển khai đạt hơn 278,6 tỷ đồng đạt 99,99% kế hoạch năm 2019, tăng so với năm 2018 là 15,3 tỷ đồng, với 6.123 hộ còn dư nợ.

Theo chân cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện và cán bộ Hội Nông dân xã Bình An đến thôn Tiên Tốc, chung tôi được hội nông dân xã dẫn vào thăm mông hình nuôi trâu vỗ béo của anh Tráng A Thăng là hội viên nông dân chi hội thôn Tiên Tốc, xã Bình An. Được biết, trước đây gia đình anh Thăng thuộc diện hộ nghèo trong thôn do thiếu vốn đầu tư chăn nuôi sản xuất. Đến năm 2014 gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hành Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội nông dân với số tiền 50 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi trâu, sau 3 năm chăn nuôi trâu đến năm 2017 anh trả hết nợ. Nhưng để tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi, đến năm 2018 gia đình anh đã mạnh dạn vay lên mức tối đa là 100 triệu đồng để  đầu tư vào làm chuồng trại chăn nuôi trâu và kết hợp mở quán bán hàng tạp hóa. Với hình thức nuôi trâu gối mỗi năm anh nuôi 3 đến 4 lứa trâu thịt, mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Từ mô hình chăn nuôi trâu kết hợp bán hàng tạp hóa đến nay gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ khá trong thôn. 

Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã huyện đã giúp gia đình anh Tráng A Thăng vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo

Trong 12 Chương trình tín dụng hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tích cực đầu tư tín dụng cho các Chương trình phát triển kinh tế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phục vụ nhu cầu về vốn cho các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thuộc các chương trình tín dụng ưu đãi như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... Kết quả cho vay các xã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện đến 31/12/2019 đạt 130.359 triệu đồng với 2.779 hộ vay vốn, trong đó: xã Thượng Lâm có tổng dư nợ đạt 47.047 triệu đồng, với 1.105 hộ vay vốn; xã Khuôn Hà có tổng dư nợ đạt 30.807 triệu đồng, với 659 hộ vay vốn; xã Lăng Can có tổng dư nợ đạt 52.629 triệu đồng, với 1.064 hộ vay vốn. Cùng với đó,  Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn đẩy mạnh triển khai cho vay theo Nghị quyết số 12/2014  của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi: Tổng dư nợ thực hiện đến hết năm 2019 đạt 22.751 triệu đồng, với 465 hộ vay vốn. Cho vay chăn nuôi kết hợp xây dựng bể Biogas theo Quyết định số 30/QĐ-UBND với tổng dư nợ thực hiện đến trong năm 2019 đạt 3.391 triệu đồng, với 99 hộ vay vốn. Thực hiện cho vay xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 303/QĐ-UBND với tổng dư nợ đến hết năm 2019 là 5.167 triệu đồng, với 608 hộ vay vốn. Nguồn vốn NHCSXH cho vay theo chương trình nông thôn mới và các Chương trình khác đã và đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã xây dựng được các công trình hợp vệ sinh, giúp hộ nông dân vùng nông thôn nâng cao sức khỏe, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH

Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân và xây dựng các công trình hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục