Lăng Can nỗ lực giảm nghèo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là mục tiêu được Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt lên hàng đầu, vì đây cũng là mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, làm cho bộ mặt của nông thôn không ngừng đổi mới, tiến tới xây dựng xã Lăng Can trở thành đô thị loại V vào năm 2020.

Thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chăn nuôi quy mô gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với các cây con là đặc sản có lợi thế như trồng cây rau bò khai, giảo cổ lam, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê lấy thịt, nuôi lợn đen, gà địa phương, trồng rừng... Nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ vốn, giống và khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, tổ hợp tác, hộ gia đình phát triển kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên hộ khá tiến tới làm giàu.

Khu trung tâm xã Lăng Can

Để giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ người dân phát triển sản xuất chăn nuôi trọng tâm là Nghị quyết 10 và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để vay vốn sản xuất, phát triển chăn nuôi. Được tiếp cận với nguồn vốn đã giúp các hộ gia đình có điều kiện để đầu tư vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo. Cùng với phát triển nông nghiệp, nhân dân trong xã đã tính cực  phát triển lâm nghiệp, tập trung trồng rừng, nhận bảo vệ rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng... Hàng năm diện tích trồng rừng mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Công tác trồng rừng được bà con nông dân xã Lăng Can chú trọng đầu tư đã mang lại hiệu quả

Cùng với đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cũng được xã đặc biệt quan tâm thực hiện, xác định đây là giải pháp giảm nghèo nhanh và hiệu quả. Hằng năm xã đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho người lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay trên địa bàn xã có 4 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, trên 500 lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xã Lăng Can đã vận động, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, du lịch đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Với lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, nhân dân các dân tộc trong xã còn giữ gìn được những bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều gia đình đã đầu tư vào làm du lịch công đồng. Hiện nay, trên địa xã đã có 5 hộ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng Homestay. Ngoài ra, còn một số đơn vị doanh nghiệp đang đầu tư vào phát triển du lịch tại địa phương. Từ việc phát triển du lịch đã tạo nên hiệu quả kép không những tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người mà còn giúp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao bền vững hơn.

Du khách đến thăm quan, trải nghiệm tại các điểm Homestay trên địa bàn xã

Cùng với phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình kinh doanh, dịch vụ như bán hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải ô tô, gia công cơ khí, sửa chữa nhỏ, sản xuất, vật liệu xây dựng có sự phát triển khá nhanh. Đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều hộ kinh doanh, buôn bán, sản xuất và gia công cơ khí đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong xã và các xã lân cận, góp phần đẩy nhanh việc phát triển đô thị loại V mang đậm bản sắc miền núi vùng cao. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của chính người dân tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 54,46% năm 2016 xuống còn 11,7% năm 2018. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã Lăng Can chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm thì đến nay thu nhập của người dân được nâng lên trên 30 triệu đồng/người/năm.

Các loại hình kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã đang phát triển nhanh

Với những giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của xã Lăng Can đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo các chỉ tiêu Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2015 - 2020 xã đã đề ra, tạo điều kiện để người nghèo trên địa bàn tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tái nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục