Lâm Bình, tập huấn sản xuất cho người nông dân

Bằng việc tăng cường, mở các lớp tập huấn, kết hợp với trình diễn, triển khai các mô hình tiêu biểu, Trạm Khuyến nông huyện, đã trang bị kiến thức cho người nông dân để họ đổi mới tư duy, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay thế những phương pháp sản xuất truyền thống. Từ đó, kinh tế của người dân ngày càng ổn định, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu năng suất, sản lượng lương thực hằng năm đề ra.

Bà Phúc Thị Bằng, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, cho biết: Trước khi bước vào sản xuất vụ xuân 2018, bà và các hộ gia đình trong thôn, đã được cán bộ khuyến nông của Trạm  và xã, đến tận thôn bản hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ xuân. Nội dung mà bà con trong thôn được tập huấn là về cơ cấu các loại giống lúa, ngô, lạc, khung thời vụ, kỹ thuật ngâm, ủ, gieo mạ, phòng chống rét cho mạ, cách chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Sau lớp tập huấn, bà con trong thôn đã thực hiện việc chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân đúng khung lịch thời vụ về làm đất, gieo mạ cũng như chăm sóc tốt cho diện tích mạ đã gieo. 

Thực hiện công tác tập huấn sản xuất cho người nông dân. Năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Lâm Bình, đã chủ động phối hợp với UBND các xã, tổ chức tập huấn sản xuất các vụ trong năm cho 15.176 lượt người dân, tại các thôn bản trên địa bàn huyện. Đồng thời, đưa nhiều mô hình sản xuất vào thực hiện như: mô hình giống lúa mới BIO 404 tại thôn Nà kẹm, xã Khuôn Hà, giống lúa Kim Cương 111 tại xã Lăng Can, Thượng lâm, trồng lạc L14 tại 2 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà và khuyến khích các thôn bản tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng cấy lúa tập trung tại 8 xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Trạm còn phối hợp theo dõi, hướng dẫn thực hiện 16 mô hình về trồng cây rau bò khai tại xã Lăng Can, Thổ Bình; cây ngót rừng tại xã Thượng Lâm, giảo cổ lam tại xã Hồng Quang, chăn nuôi trâu vỗ béo, dê, lợn đen, vịt bầu, vịt trời, vịt đẻ trứng, gà đen tại các thôn bản, thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản, lợi thế của địa phương. Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ gieo trồng đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người nông dân. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã đ­ược áp dụng, đặc biệt là việc sử dụng phân viên nén dúi sâu, bón cho lúa, về số hộ thực hiện và lượng phân bón sử dụng qua mỗi vụ đều tăng, từ đó năng suất cây trồng đã được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, trong năm 2017, mặc dù điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng năng suất, sản lượng của toàn huyện vẫn đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 18.378 tấn, đạt 104% kế hoạch. Để tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối khoa học kỹ thuật với nông dân trong huyện, Trạm Khuyến nông huyện Lâm Bình, đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách các cụm xã và khuyến nông viên các xã bám sát cơ sở, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và duy trì phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương. 

Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất trong mỗi mùa vụ, năng suất lúa của huyện đã tăng nhiều so với những năm trước

Có thể khẳng định, các dự án, mô hình trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Lâm Bình, được triển khai thành công đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nhiều giống cây trồng mới, khả năng thích nghi rộng, đạt năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, đã góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích đất cách tác, từ đó tạo nguồn thu nhập cho người nông dân.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục