Lâm Bình sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn huyện vùng cao Lâm Bình, đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây ngày càng được nâng cao.

Một góc xã Khuôn Hà, (Lâm Bình)

Xã Khuôn Hà được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, diện mạo nông thôn xã Khuôn Hà ngày càng đổi thay trên mọi mặt. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đường làng, ngõ xóm được bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi. Trường học, Trạm y tế, Nhà văn hóa được xây mới khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Để giúp người dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; xã Khuôn Hà đã triển khai thực hiện tốt các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất phát triển kinh tế như vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vốn 135. Tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ các nguồn vốn này các hộ gia đình đã lựa chọn những loại cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế vào sản xuất và đã mang lại nguồn thu nhập cao.

Tuyến đường từ trung tâm xã Thượng Lâm đi Bến Thủy 

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Lâm Bình đã có 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đạt chuẩn NTM; các xã Thổ Bình, Bình An, Hồng Quang đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Trong đó kiên cố  hóa được trên 191 km đường giao thông nông thôn; huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp 45 công trình đập đầu mối, kiên cố hóa trên 84 km kênh mương. Đầu tư xây dựng 6 công trình hạ tầng lưới điện, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 93%, tăng gần 24% so với năm 2011; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng 5 nhà văn hóa xã, 44 nhà văn hóa thôn bản, cải tạo nâng cấp 3 sân thể thao xã, 6 sân thể thao thôn, xây dựng công trình trụ sở UBND các xã. Đến nay toàn huyện có 5/8 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định đạt gần 70%, tổ chức mở 54 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 38%, tăng hơn 14% so với năm 2011. Thực hiện 152 dự án hỗ phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho trên 2.000 người đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, 47 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 67,13% năm 2011 xuống còn 40,19% năm 2018, giảm 26,9% so với năm 2011, bình quân hàng năm giảm 3,4%/năm. Chương trình, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được từng bước phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo dục các bậc học được nâng lên; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và được duy trì và giữ vững; 12/24 trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 23%. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cộng đồng được chú trọng, chất lượng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần cho người dân nông thôn được cải thiện. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyến biến tích cực trong nhận thức và cách làm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó hưởng ứng tham gia hiến đất, góp kinh phí, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản…

Trung tâm huyện Lâm Bình

Nghị quyết Đại hội Đại biểu của Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ; để nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm; thực hiện lồng ghép các chương trình, du lịch và bản sắc văn hóa dân tộc và dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển và thực hiện những tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Từ những “trái ngọt” và giá trị NTM mang lại, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện miền núi Lâm Bình đã trở thành phong trào rộng khắp và tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết cũng như tính chủ động trong xây dựng NTM của người dân. 

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục