Lâm Bình phát triển chăn nuôi thủy sản, thủy cầm gắn với công tác giảm nghèo

Vùng Lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang có khá nhiều eo ngách nên thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, thủy cầm, đem lại nguồn thu nhập cao. Từ lợi thế này, trong những năm qua nghề chăn nuôi cá lồng và thủy cầm đã được huyện Lâm Bình quan tâm phát triển, từ đó đã có nhiều hộ tham ra chăn nuôi và đã cho hiệu quả về kinh tế cao; góp phần xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng của gia đình ông Trần Văn Lâm, xã Khuôn Hà huyện Lâm Bình Tuyên Quang

             Ông Trần Văn Lâm, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà chia sẻ: Bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng từ năm 2017, được sự hỗ trợ về nguồn vốn thông qua kênh tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông đã đầu tư phát triển và nâng cao số lượng của tổng đàn. Đến nay, gia đình ông đang duy trì gần 500 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày mang lại nguồn thu trên 400 quả trứng thương phẩm. Ngoài nuôi vịt lấy trứng ông Lâm còn tận dụng lợi thế mặt nước hồ thủy điện nuôi 4 lồng cá, kết hợp chăn nuôi con lợn đen dưới tán rừng nên sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ thuận lợi.  

           Ngoài gia đình ông Lâm còn có hộ ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; là một trong những hộ đi đầu về nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ông Tùng cho biết, năm 2014, sau khi tham gia lớp tập huấn về nuôi cá lồng, nắm bắt được kỹ thuật cơ bản về nuôi cá, ông đã đầu tư thí điểm 2 lồng cá. Sau vài vụ cá đầu, ông Tùng thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đem lại hiệu quả kinh tế cao và mong muốn tiếp tục đầu tư mở rộng. Đến năm 2017, ông Tùng đã huy động, vay mượn vốn để đầu tư trên 10 lồng nuôi cá. Mỗi lồng ông Tùng nuôi một loại cá khác nhau, lồng thì nuôi cá bỗng, cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá nheo, cá lăng… từ phát triển chăn nuôi thủy sản đã cho gia đình ông một nguồn thu lớn.

Ông Nguyễn Văn Tùng, xã Thượng Lâm huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang

chăm sóc đàn cá cá bỗng

Từ việc tận dụng diện tích mặt nước eo ngách tại vùng lòng hồ để chăn nuôi thủy sản, thủy cầm kết hợp bảo vệ rừng; đến nay đời sống của nhân dân nơi đây đã khá lên. Hiệu quả từ việc chăn nuôi thủy sản, thủy cầm đã được bà con kiểm chứng và cho thấy; đây là tiềm năng lớn để mở rộng phát triển. Với chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó có các loại giống cá đặc sản nuôi trên hồ thủy điện sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lâm Bình, mở rộng quy mô chăn nuôi đẩy mạnh phát triển kinh kế nâng cao đời sống vật chất tinh thần, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

          Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có gần 100 hộ tham gia chăn nuôi với gần 240 lồng nuôi cá và hàng nghìn con thủy cầm. Tổng sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản đạt trên 563 tấn tăng 13,9 % so với năm 2019. Cùng với sự nỗ lực thoát nghèo của các hộ dân và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nghề nuôi chăn nuôi thủy sản, thủy cầm trên lưu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, kết hợp bảo vệ rừng sẽ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục