Lâm Bình phát huy vai trò công tác dân vận trong phát triển kinh tế

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn thách thức đưa kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tình hình nhân dân ổn định. Ðạt được những kết quả trên, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác dân vận.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ; tạo điều kiện để cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mô hình chăn nuôi dê núi đang phát triển mạnh

Thông qua đó làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế của nhân dân. Người dân quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những cây, con mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh việc tín chấp cho đoàn viên, hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình chăn nuôi lợn của ông Ma Bá Quê, hội viên Cựu chiến binh xã Hồng Quang

Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy làm kinh tế của nhân dân, kinh tế của huyện có sự phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt trên 13%; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng.  Ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng, từ trên 84% năm 2011, đến hết năm 2018 còn trên 61%. Trong đó, các ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn so với lâm nghiệp, trung bình chiếm trên 70%. Gía trị sản xuất ngành công nghiệp có tăng trưởng đều, năm 2018 đạt 501/570 tỷ đồng, đạt 88%. Việc huy động huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện và các xã được đặc biệt quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,12% năm 2011 xuống còn 40,19% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2019 đạt 19,9 triệu đồng/người/năm, tăng 12,7 triệu đồng so với năm 2011; đời sống vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Mô hình chăn nuôi châu nhốt vỗ béo của anh Quan Văn Đạt, thôn Phiêng Luông xã Bình An

Thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục đổi mới hoạt động công tác dân vận với trọng tâm là hướng về cơ sở, phương châm  là “gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, huyện triển khai có hiệu quả phong trào thi đua dân vận khéo, hướng công tác dân vận vào xây dựng nông thôn, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục