Lâm Bình nỗ lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Huyện Lâm Bình được thành lập cách đây 10 năm theo Nghị quyết số 07-NQ/CP của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình, thuộc tỉnh Tuyên Quang. Việc thành lập đơn vị hành chính cấp huyện trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ; cơ sở hạ tâng được đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng, khát khao của đồng bào Nhân dân các dân tộc thuộc các xã trên địa bàn.

Công trình đường giao thông từ trùng tâm huyện đi xã Xuân Lập

Trước năm 2011, đường đến trung tâm xã Xuân Lập gặp rất nhiều khó khăn nhân dân phải đi lại trên nền đường cấp phối đã hư hỏng nặng, cơ sở hạ tầng còn thiếu thôn, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã ,Tram y tế xã và các trường học lúc bấy giờ chủ yếu là nhà cấp 4 và nhà gỗ đã xuống cấp; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 88,4%. Sau khi huyện Lâm Bình được thành lập đã khắc phục được sự chia cắt địa hình giữa xã Xuân Lập cũng như các xã trong huyện với trung tâm huyện, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nhân dân. Sau 10 năm thành lập đến nay, xã Xuân Lập đã có sự đổi thay rõ rệt, đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng dải nhựa phẳng lì, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, các trường học từ bậc học Mầm non đến THCS đã được đầu tư xây dựng kiên cố.

Thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi Củng đã có điện lưới Quốc gia và có đường bê tông ô tô đi đến trung tâm thôn

Trạm y tế xã cũng được xây dựng mới đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Nhân dân ở hai thôn Khuổi Trang và Khuổi củng đã đươc sử dụng điện lưới quốc gia, các tuyến đường liên thôn bản từng bước được bê tông hóa tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại vận chuyển hàng hóa. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện còn quan tâm triển khai đầy đủ các chính sách, các Chương trình, Dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a và các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa về vốn, giống và khoa học kỹ thuật đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong canh tác, chăn nuôi và nỗ lực vươn lên thoát nghèo.  Có thể nói, Xuân Lập là một xã đặc thù của huyện, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi huyện Lâm Bình được thành lập, dưới sự lãnh đạo, điều hành tích cực của cấp ủy, chính quyền xã và sự quan tâm đầu tư của huyện, cùng sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trong xã, đến nay đời sống của Nhân dân đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 88,4% năm 2011 xuống còn 66% năm 2020; diện mạo của xã đã có sự đổi thay tích cực.

Các công trình giao thông tại trung tâm huyện

Trong 10 năm, huyện Lâm Bình đã huy động  gần 1.300 tỷ đồng, xây dựng 513 công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện, các xã và hệ thống giao thông kết nối. Trọng tâm là hoàn thành xây dựng các công trình giao thông, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị của huyện và ủy ban nhân dân xã, trung tâm huyện được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, có diện mạo đầy đủ của một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống và trở thành thị trấn của huyện; các công trình giao thông huyết mạch, kết nối quan trọng như đường giao thông trung tâm huyện, đường Thổ Bình - Bình An - Lăng Can - Khuôn Hà - Thượng Lâm; đường Hồng Quang - Bình An, đường Lăng Can - Xuân Lập, đường từ xã Phúc Yên đi xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, hàng chục cây cầu vượt suối,... được đầu tư làm mới bảo đảm giao thông kết nối liên hoàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương phát triển kinh tế của Nhân dân.

Các tuyên kênh mương thủy lợi đảm bảo nước phục vụ sản xuất cho bà con nông dân

Đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã tăng từ 39,8 năm 2011 lên 100% năm 2020; đường đến trung tâm thôn tăng từ 23,1 năm 2011 lên 97,2%. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa tăng từ 38,7% năm 2011 lên, 88,2%, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động. Hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm xây dựng; từ 2011 đến nay đã xây dựng mới 1.649 phòng học, 1.710 phòng chức năng; hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa huyện quy mô 100 giường bệnh, 100% trạm y tế xã được xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, thôn có nhà văn hóa. Đầu tư điện lưới quốc gia vào 08 thôn, trên 10km đường điện chiếu sáng ở trung tâm huyện, gần 100 km đường điện chiếu sáng tại các khu dân cư, 100% thôn trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia. Đến nay, xã Lăng Can là khu trung tâm của huyện Lâm Bình đã đạt tiêu chí đô thị loại V và đang đề nghị thành lập thị trấn của huyện.

Diện mạo mới của một đô thị vùng cao

Phát huy những thành tựu và kết quả đạt được, với ý chí, quyết tâm, tinh thần sáng tạo, cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương Lâm Bình ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục