Lâm Bình nỗ lực trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2014 - 2019

Nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở luôn xác định: Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm số 1, xuyên suốt. Do vậy Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện theo giai đoạn và từng năm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giải pháp giảm nghèo chủ yếu được huyện Lâm Bình tập trung thực hiện là: Tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu chính đáng bằng chính nội lực của gia đình mình và trên chính tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó là giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư ở địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động nước ngoài. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai tích cực đã đem lại kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2014-2015 giảm được 16,21%, cụ thể: số hộ nghèo đầu năm 2014: 3.761 hộ, chiếm tỷ lệ 53,81%; cuối năm 2015 là 2.738 hộ, chiếm tỷ lệ 37,60%, giảm được 1.023 hộ; Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2019 giảm 20,6%, cụ thể: Số hộ nghèo đầu năm 2016: 4.455 hộ, chiếm 60,79%; cuối năm 2018 là 3.041 hộ, chiếm  40,19%, giảm 1.414 hộ. Với nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, công tác giảm nghèo thời gian qua của huyện Lâm Bình đã đạt được những kết quả rất lớn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của một bộ phận người nghèo được nâng lên đáng kể.

Mô hình nuôi trâu nhốt vỗ béo ở xã Thổ Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của huyện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phần lớn hộ nghèo chuyển sang hộ cận nghèo, hộ khá và giàu chiếm tỷ lệ rất ít. Nguồn kinh phí đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc còn phân tán trong nhiều chương trình, dự án, nên hiệu quả giảm nghèo chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các chính sách xóa đói, giảm nghèo chưa thực sự hỗ trợ cho nhau; một số phương thức hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo còn chưa được thiết kế hợp lý nên hiệu quả đem lại chưa cao. Công tác thông tin truyền thông về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nàn về nội dung, hạn chế về phương thức truyền thông nên chưa tạo được điều kiện để hộ nghèo tiếp cận thông tin và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa gắn với nhu cầu việc làm,… Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động xóa đói, giảm nghèo chưa được duy trì thường xuyên. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; còn tự ty, thiếu tự tin, có tư tưởng ngại đi xa, bằng lòng với thực tại; ý thức kỷ luật lao động còn hạn chế;...

Vài năm trở lại đây trên địa bàn huyện đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm đồ gia dụng, quà lưu niệm từ tre và gỗ phục vụ khách du lịch, tạo việc làm cho lao động địa phương

Để làm tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào thực tiễn của địa phương; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và giải pháp sát thực tiễn để tổ chức thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự sâu sát và sáng tạo; tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ của cấp trên; phải có sự chủ động, linh hoạt, tập trung, quyết tâm, quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện; luôn tôn trọng phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; phân công, xác định trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp, các ngành có liên quan. Làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy sự năng động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là phải biết khơi dậy ý thức vươn lên trong cách nghĩ, cách làm, tự lực thoát nghèo của nhân dân…

Công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động địa phương được tổ chức thường xuyên

Với mục tiêu giảm nghèo 5% mỗi năm và những giải pháp cụ thể được đề ra, tin rằng  huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để người dân ý thức và nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục