Lâm Bình khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở địa phương

Sau nhiều năm tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Lâm Bình đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp được thị trường ưa chuộng. Giúp nhiều hộ gia đình có thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định, từ việc cung cấp thực phẩm sạch có chất lượng cho thị trường trong và ngoài huyện.

Trước đây, mảnh đất vườn rộng hơn 2.000 mét vuông của gia đình ông Hoàng Văn Thi ở thôn Nặm Chá, xã Lăng Can chỉ trồng sắn, ngô để phục vụ cho việc chăn nuôi. Tuy nhiên, do diện tích đất nằm dưới chân núi đá và có nhiều cây cối nên cây hoa màu của gia đình ông không phát triển được. Năm 2017, thực hiện Chương trình 135, gia đình ông được xã hỗ trợ giống trồng cây rau Bò khai, để nhân rộng diện tích cây rau đặc sản của địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc được tập huấn, ông Thi còn chủ động học hỏi kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch ngọn rau bò khai trên sách, internet để cây trồng phát triển tốt. Đến nay, ngọn rau Bò khai của gia đình ông chủ yếu phục vụ cho các hộ gia đình làm du dịch ở địa phương. Bước đầu, cây rau Bò khai đã giúp gia đình ông có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Ông Hoàng Văn Thi thôn Nặm Chá, xã Lăng Can chăm sóc cây rau Bò khai của gia đình

Để phát triển cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế ở địa phương, trong hai năm qua, huyện Lâm Bình đã lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các hộ thực hiện, với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Đến nay đã trồng được gần 25 ha cây rau Bò khai và Rảo cổ lam tập trung ở các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can. Chăn nuôi trên 7.570 con lợn đen, 3.416 con dê, 7.950 con vịt bầu và trên 38.000 con gà địa phương… Qua đó, đã giúp nhiều hộ có thêm thu nhập, từng bươc vươn lên thoát nghèo, đặc biệt có một số cây, con là đặc sản hiện còn được các địa phương đăng ký là sản phẩm OCOP như: cây rau Bò Khai, Dê núi, lợn đen. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định, phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng là một trong 2 khâu đột phá thực hiện trong thời gian tới của huyện. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật giúp các hộ nhân rộng, để trở thành sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm đặc trưng của huyện với các tỉnh và hệ thống siêu thị, chợ nông sản, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Sản phẩm Dê núi Thổ Bình hiện đang được thị trường ngoài huyện ưa chuộng

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục tìm hiểu, lựa chọn thí điểm trồng một số cây, con là đặc sản có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, cây ăn quả, rau đặc sản để hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục