Lâm Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung sản xuất hàng hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước chuyển biến có hiệu quả.

Hàng năm căn cứ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Nhà nước và của tỉnh. UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã tổ chức tập huấn chuyển giao Khoa học - Kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135; Dự án phát triển sản xuất cây lạc; Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Nuôi trâu vỗ béo tại các xã Thổ Bình, Bình An, Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà;.. mô hình trồng rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh với các hộ là người dân tộc. Nghị quyết số 12 đến nay có 509 hộ vay tổng kinh phí đã giải ngân trên 25 tỷ đồng, 100% hộ vay đều được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Mô hình nuôi dê núi ở xã Thượng Lâm

Hình thức tổ chức sản xuất đã từng bước chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã, trang trại tổng hợp đến nay trên địa bàn huyện đang duy trì hoạt động 20 Hợp tác xã  và 03 trang trại tổng hợp; sản phẩm của HTX và các trang trại sản xuất đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác phát triển kinh tế còn có những hạn chế đó là: một số xã và một số vùng đồng bào dân tộc còn chậm phát triển; tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động chưa cao, thu nhập thấp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc tuy có tăng, song so với yêu cầu còn thấp, đầu tư dàn trải nhiều nội dung; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, đường giao thông đi lại còn khó khăn; thiếu vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp; việc tiếp cận áp dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao của địa phương.

Các loại giống ngô năng xuất, chất lượng cao được nông dân đưa vào gieo trồng

Với những kết quả đạt được và nhận thấy những khó khăn, hạn chế huyện Lâm Bình đã đề ra một số giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại vùng đồng bào dân tộc thiểu số như:  ban hành và áp dụng đầy đủ, phù hợp các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đối với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đất đai, vốn, chính sách an sinh xã hội, ổn định dân cư, mô hình áp dụng thực tế. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội nói chung của huyện, trong đó xác định những ưu tiên hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đối với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả, phù hợp với tập quán canh tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hỗ trợ, đầu tư, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp có trách nhiệm, nghĩa vụ hơn đối với vùng nguyên liệu, hỗ trợ, đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế là thế mạnh của địa phương, hiện nay đã và đang tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung là cây lạc, cây chè Shan, cây rau Bò khai, giảo cổ lam; con dê núi, con trâu, con cá đặc sản... với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất, tạo cho người nông dân có thu nhập cao, ổn định và yên tâm với sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục