Huyện Lâm Bình tập trung phát triển cây, con là đặc sản, lợi thế của địa phương

Thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế ở địa phương, những năm qua, nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao Lâm Bình đã được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật để phát triển một số cây, con là đặc sản theo hướng hàng hóa. Qua đó, đã kịp thời giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập và tạo điều kiện cho các hộ có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020, ngay từ những năm đầu thực hiện, các địa phương trong huyện đã xây dựng kế hoạch rà soát điều kiện thực tế và giao chỉ tiêu cụ thể cho các thôn bản, hộ gia đình thực hiện làm thí điểm trước, nếu có hiệu quả sau đó mới nhân ra diện rộng. Từ cách làm này, các địa phương đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các hộ gia đình cùng tham gia thực hiện Đề án. Điển hình có gia đình ông Ma Văn Kiệm ở thôn Nà Trúc, xã Hồng Quang. Xác định gia đình là hộ có điều kiện lợi thế về đất đai để trồng cây Giảo cổ lam nên sau khi được xã tuyên truyền về Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, gia đình ông Kiệm, đã mạnh dạn đăng ký trồng thử nghiệm 500 gốc cây Giảo cổ lam trên đất vườn rừng có khe núi đá. Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, ông Kiệm, thấy cây Giảo cổ lam phát triển rất tốt và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thôn Nà Trúc, hiện nay gia đình ông Kiệm và sáu hộ gia đình khác trong thôn tiếp tục được xã hỗ trợ 16 nghìn gốc cây Giảo cổ lam về trồng, với tổng diện tích 0,95 ha. 

Ông Ma Văn Kiệm, thôn Nà Trúc, xã Hồng Quang, đang chăm sóc cây Giảo cổ lam của gia đình

Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Lâm Bình đã xây dựng đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế trên địa bàn huyện, nhằm định hướng, khuyến khích người dân thực hiện. Trong đó, đối với vật nuôi, huyện tập trung phát triển chăn nuôi con lợn đen, dê núi, gà ta, vịt bầu thả suối và vịt trời. Đối với cây trồng, tập trung phát triển cây rau bò khai, cây Giảo cổ lam và cây ngót rừng. Theo đó, để giúp người dân phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản, có lợi thế trên địa bàn huyện, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, hằng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu trồng các loại cây và nuôi các loại con cho các xã thực hiện. Đồng thời, chú trọng tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi cho các hộ gia đình, đặc biệt là lồng ghép tất cả các nguồn vốn thuộc Chương trình 135, nông thôn mới để hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ được tập huấn và hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, trong năm 2017, toàn huyện đã trồng được 7,12 ha cây rau Bò khai, 1,72 ha cây rau Ngót rừng, 1,39 ha cây Giảo cổ lam. Đồng thời, có 79 hộ chăn nuôi 1.776 con lợn đen, 120 hộ nuôi trên 1.630 con dê, 65 hộ nuôi 6.950 con vịt bầu địa phương… 

Có thể nói, sau một thời gian thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản lợi thế của địa phương, nhiều hộ gia đình được lựa chọn thực hiện làm điểm, bước đầu đã có sản phẩm và cho thu nhập. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để các địa phương trong huyện, tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển các loại cây, con là đặc sản có lợi thế trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Hướng tới, cung cấp sản phẩm sạch có chất lượng cho thị trường, cũng như nâng cao hệ số sử dụng đất và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục