Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Lâm Bình, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Huyện Lâm Bình đã tập trung chỉ đạo, triển khai hoạt động tín dụng CSXH, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Hơn 5 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tín dụng CSXH đã đạt những kết quả nổi bật, như: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 15/6/2020 đạt 287.109 triệu đồng tăng so với 31/12/2019  là: 8.426 triệu đồng, với 6.252 hộ còn dư nợ. Tăng so với 31/12/2014 là 132.624 triệu đồng; gấp 2,2 lần so với 2014. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, đã giúp nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững; tín dụng chính sách cũng đã tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm trên 5%.

Nhiều hộ gia đình sau khi được tiếp cận nguồn vốn CSXH đã tập trung phát triển chăn nuôi đem lại thu nhập cao 

Theo bà Hoàng Lê Na, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy chính, quyền huyện, hàng năm đều dành một phần vốn từ ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Kết quả đến ngày 15/6/2020: Tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư địa phương là 4,3 tỷ đồng tại 8/8 xã trong đó: Ngân sách tỉnh đã chuyển nguồn vốn sang Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình là 2,3 tỷ đồng; Ngân sách huyện đã chuyển đã chuyển nguồn vốn sang Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình là 2 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã đáp ứng được một phần nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững; nguồn vốn đã tạo được việc làm cho nhiều lao động chưa có việc làm ổn định. Mục đích vay vốn chủ yếu là phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của huyện. Trong đó điển hình là hộ kinh doanh Đặng Văn Là trú tại thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình được vay vốn số tiền là 400 triệu đồng để làm chuồng trại và chăn nuôi trâu vỗ béo là một trong những mô hình phát triển kinh tế điển hình của huyện”. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo cua gia đình ông Đặng Văn La, xã Thổ Bình dem lại hiệu quả kinh tế cao

Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, nhất là đối với một huyện khó khăn như Lâm Bình. Từ cấp huyện cho đến cơ sở đã, đang thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để triển khai chương trình tín dụng CSXH đến với người dân một cách thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới, để Chỉ thị số 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nguồn vốn sao cho phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn vay cũng như làm tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính. Để tín dụng chính sách xã hội thực sự là chiếc cần câu tạo sinh kế, giúp các hộ gia đình vươn lên, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chí Cường - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục