Hiệu quả kinh tê từ việc nhận giao khoán, bảo vệ rừng phòng hộ

Sau nhiều năm thực hiện giao khoán, bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ tại lưu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, huyện Lâm Bình đã hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, tình trạng người dân làm rẫy, khai thác lâm sản trên đất rừng phòng hộ đã giảm đáng kể. Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho các hộ gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 187 tổ chức, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, trong đó có 79 hộ thuộc 3 xã Phúc Yên, Khuôn Hà, Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, nhận khoán bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế tại khu lưu vực hồ thủy điện Tuyên Quang. Năm 2013, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng, ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, nhận giao khoán, bảo vệ gần 60 ha rừng phòng hộ tại khu Phủng. Từ cơ chế chính sách của huyện nhằm tạo điều kiện cho các hộ bảo vệ rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng, ông Tùng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng và nuôi cá tại khu lưu vực lòng hồ, đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. 

Ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm , huyện Lâm Bình, bên đàn bò của gia đình mình

Cùng với gia đình ông Nguyễn Văn Tùng, gia đình bà Hoàng Thị Ngần, ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, cũng nhận giao khoán 42,48 ha rừng phòng hộ kết hợp chăn nuôi trên 500 con vịt siêu trứng. Hiện nay, mỗi một ngày gia đình bà thu được gần 400 quả trứng, đem giao bán cho các của hàng tạp hóa ở các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm. Nguồn thu nhập từ chăn nuôi vịt của gia đình bà Ngần là từ 7 triệu đến 9 triệu đồng/ tháng. Cùng với việc chăn nuôi vịt, tận dụng vào điều kiện lợi thế của khu vực lòng hồ, gia đình bà còn đánh bắt thủy sản như tôm, cá theo quy định của các cơ quan chức năng, bán cho các thương lái để tăng thêm thu nhập. Sau khi nhận giao khoán bảo vệ rừng kết hợp phát triển kinh tế trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giúp gia đình bà Ngần có nguồn thu nhập tương đối ổn định... 

Từ chăn nuôi vịt siêu trứng, tại khu lưu vực lòng hồ thủy điện đã giúp gia đình bà Hoàng Thị Ngần ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, có mức thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng/ tháng. Đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của gia đình bà

Có thể thấy, sau nhiều năm thực hiện việc khoán bảo vệ rừng phòng hộ khu lưu vực hồ Thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân đã huy động được sự tham gia của nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống cháy rừng; ngăn chặn tình trạng xâm lấn, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, tình trạng người dân đến cư trú bất hợp pháp trên đất rừng phòng hộ, trên mặt hồ thủy điện Tuyên Quang và các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Qua đó, đã tạo cảnh quan phát triển dịch vụ du lịch tại khu vực lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang và tiết kiệm ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Tuy nhiên, để chính sách giao khoán bảo vệ rừng ngày càng phát huy hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, thời gian tới, các cơ quan liên quan của huyện cần tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục