Hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo ở Lâm Bình

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Lâm Bình luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả. Nhiều học viên sau học nghề tự tìm việc làm, phát huy ngành nghề đã học để nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác gảm nghèo tại địa phương.

Sau khi theo học lớp kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống khóa I năm 2020 tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lâm Bình vào đầu năm 2020, anh Nguyễn Đình Lễ ở thôn Bản Khiển, xã Lăng Can đã mở cửa hàng kinh doanh các loại đồ uống cho mọi lứa tuổi. Sau một thời gian đi vào hoạt động, cửa hàng kinh doanh của anh Lễ đã dần thu hút được nhiều khách hàng, nhất là đối với các bạn trẻ. Từ đó, đã giúp anh có thêm việc làm và thu nhập cho gia đình.

Anh Nguyễn Đình Lễ thôn Bản Khiển, xã Lăng Can pha chế đồ uống cho khách

Với mong muốn được học nghề hàn để nâng cao tay nghề và mở xưởng cơ khí, anh Hoàng Văn Cấn ở xã Lăng Can đã đăng ký tham gia học lớp Sơ cấp nghề tại Trung tâm GDNN- GDTX huyện Lâm Bình. Trong quá trình học anh Cấn không chỉ được hỗ trợ chi phí học nghề, mà còn được học kỹ năng hàn từ cơ bản đến nâng cao. Cùng với đó, việc họ theo hình thức lý thuyết đi đôi với thực hành đã giúp anh tiếp thu kiến thức nhanh hơn và biết sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc để tạo ra các sản phẩm như mong muốn. 

Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động,  Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm thông qua các buổi họp từ xã đến các thôn, bản và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, người lao động đã hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia học nghề, nắm bắt cơ hội tìm được việc làm vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để công tác đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã dạy các nghề phi nông nghiệp như: ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; ngành thương mại, du lịch và dịch vụ. Do đó, từ năm 2016 đến năm 2020 Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã mở được 48 lớp, với 1.440 học viên tham gia. Xuất khẩu lao động 67 người, Lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 2.471 người. Sau khi học các nghề nhiều học viên đã tự tìm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc tự tạo việc làm tại chỗ, mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho lao động khác, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm. 

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình quan tâm đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương

Ðể nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm ở địa phương, thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động sau đào tạo. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động; hỗ trợ người lao động tiếp cận vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, để nâng cao thu nhập, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục