Đa dạng hóa các hình thức giảm nghèo ở xã Thổ Bình

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình còn tập trung đa dạng hóa các hình thức thực hiện công tác giảm nghèo như: các nguồn vốn vay, mô hình phát triển kinh tế để hỗ trợ người nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm...Từ đó, đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết được việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Đối với các hộ nghèo, tùy vào hoàn cảnh, nhu cầu thực tế của hộ gia đình mà áp dụng các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Nhiều chính sách được thực hiện tốt đã phát huy tác dụng, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người nghèo, cận nghèo. Năm 2017, gia đình bà Ma Thị Len ở thôn Bản Piát, xã Thổ Bình được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Với số tiền trên, bà Len đã mua được 2 con trâu cái sinh sản về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi do được chăm sóc tốt nên đàn trâu của gia đình bà phát triển khỏe mạnh, đã sinh sản được 3 con, bà Len đã bán đi một con trâu, trả được một phần tiền gốc và lãi cho Ngân hàng. Nhận thấy chăn nuôi trâu phù hợp nên hiện nay, gia đình bà đang tập trung nhân rộng diện tích đất trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi trâu sinh sản theo hình thức nhốt. 

Mô hình nuôi trâu nhốt vỗ béo hiện đang được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thổ Bình thực hiện

Để thực hiện có hiểu quả chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, cùng với tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vay vốn và thủ hưởng các chương trình, dự án, xã Thổ Bình còn tổ chức đối thoại với hộ nghèo và phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho các hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường các biện pháp, hình thức tuyên truyền để hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà vận động người nông dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa đối với cây lạc, nuôi lợn, trâu nhốt vỗ béo và dê. Đồng thời có các chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông - lâm sản tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 34 cơ sở và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, có 5 hợp tác xã được thành lập với 120 hộ gia đình trong xã tham gia, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cao cho lao động địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của xã Thổ Bình được giảm dần theo từng năm, từ 43,9% năm 2015 xuống còn 38,6% theo tiêu chí đa chiều.

Các hộ gia đình thuộc diện nghèo ở xã Thổ Bình được nhận dê giống từ Dự án 

Để phấn đấu giảm được 94 hộ nghèo trong năm 2020, xã Thổ Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động và đưa lao động nông thôn đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phát triển các hợp tác xã, các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kết hợp phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục