Cuộc sống mới trên bản Mông

Lại một mùa xuân nữa đã đến, năm nay đồng bào dân tộc Mông ở xã Xuân Lập, huyện vùng cao Lâm Bình, càng vui mừng phấn khởi; hằng năm được Đảng, nhà nước quan tâm hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên mùa màng tốt tươi không còn cảnh phải chạy ăn trong mùa giáp hạt, cuộc sống mới đầy đủ hơn đã hiện hữu trong từng nếp nhà. Sau 1 năm có điện cuộc sống nhân dân ở 2 thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập đã dần đổi thay; Không khí của ngày tết đã tràn ngập trên khắp các bản làng và trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Mông nơi đây.

Trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, từ già đến trẻ, dù là trai hay là gái, đều mặc những bộ trang phục mới để tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Những cô gái Mông, khoác trên mình bộ váy áo sặc sỡ, ai cũng muốn mình đẹp hơn trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Chính vì vậy, mà từ nhiều ngày nay, chị em phụ nữ trong thôn đã dành nhiều thời gian để dệt vải, tạo ra những họa tiết hoa văn trên bộ trang phục của mình. Bộ trang phục mà các cô gái Mông, khoác trên mình trong dịp lễ, tết thể hiện sự miệt mài, chăm chỉ và sự cần mẫm, khéo léo của mình. Hàng ngày cùng nhau ngồi thêu những tấm áo, váy mới để mặc đi chơi tết, những bộ trang phục độc đáo mang nhiều màu sắc của các cô gái Mông, hoà với hương sắc của mùa xuân đã tạo nên một không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt trên khắp các thôn bản. Tiếng khèn lá dập dìu, hát vang xa của trai gái trong thôn cất lên, hoà với tiếng gió của núi rừng. Họ cùng nhau tay trong tay, say sưa trong điệu múa khèn, xoè ô... và cùng nhau chơi đánh cù, đánh yến, với nét văn hoá độc đáo, đầy bản sắc của bà con đồng bào Mông nơi đây. Giữa không gian bao la của đất trời, tiếng khèn, tiếng hát, tiếng nói cười của các chàng trai, cô gái Mông, cất lên tha thiết mang theo lời chúc tốt đẹp nhất dành tặng cho nhau. Truyền thống văn hoá đặc sắc này đã có từ ngàn đời nay và ngày nay, vẫn được bà con đồng bào Mông, ở xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, duy trì, gìn gìn và phát triển, truyền lại cho muôn đời sau.

Tiếng khèn Mông, được các thanh niên biểu diễn trong dịp ngày lễ, tết.

Ở thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi củng, xã Xuân lập, hiện có 157 hộ gia đình với gần 700 nhân khẩu; trong đó, có trên 90% số hộ là đồng bào Mông. Trước đây đường xá đi lại rất khó khăn, nhân dân ở đây nghèo lắm, bà con thường phải ăn ngô, ăn sắn khi mùa giáp hạt đến. Từ trung tâm xã đến thôn cũng phải mất gần một ngày đi bộ, nếu trời mưa thì gần như bị cô lập hoàn toàn. Cứ tưởng rằng nơi vùng cao này sẽ chìm sâu trong đói nghèo. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, nhân dân 2 thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi Củng đã có điện lưới quốc gia; đường giao thông đi lại thuận lợi, ô tô, xe máy đi đến tận thôn, tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao lưu trao đổi hàng hoá đến các xã bạn, hàng hoá cũng đã về đến tận thôn, đáp ứng nhu cầu của bà con các dân tộc nơi đây.

        

Đường lên thôn Khuổi Trang đã được bê tông hóa

          Nếu như trước đây, cuộc sống của bà con, luôn rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa thì giờ đây, bà con không bỏ ruộng đi làm nương, không phát rừng làm nương rẫy, không di cư tự do mà ổn định cuộc sống để yên tâm, lao động sản xuất, làm ra ngô, lúa phục vụ đời sống gia đình. Đến Khuổi Củng vào những ngày này, mỗi nếp nhà, mối gia đình đều hiện rõ trên gương mặt từng đôi vợ chồng trẻ, hay các cụ già một nhịp sống mới đang về, bà con đã quen với tập quán cấy lúa nước, trồng ngô lấy hạt và biết đưa rau vào trồng để cải thiện cuộc sống, hầu hết các hộ đều có gia súc để làm sức kéo phục vụ sản xuất, nên cuộc sống của bà con trong thôn đã từng bước được nâng lên. Vào mùa giáp hạt, nhà nào cũng có từ 10 bao thóc trở lên, đã không còn thấy cảnh đói hiện hữu trong mỗi nếp nhà.

   

Thôn Khuổi Củng từng ngày thay đổi 

          Trong những năm gần đây, các cấp, chính quyền huyện Lâm Bình, luôn quan tâm và thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Mông, như; Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo quyết định số 33 năm 2007, của Thủ tướng Chính Phủ. Trong 2 thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng đã có 65 hộ được nhà nước hỗ trợ xây dựng mặt bằng và tiền hỗ trợ di rời các gia đình từ trên núi suống nơi ở tập trung nơi mới tốt hơn nơi ở cũ. Hàng năm, vào mỗi dịp tết đến xuân về, Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện đều tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để chia sẻ những khó khăn với bà con và động viên bà con nỗ lực vươn lên vượt khó, làm ra nhiều của cải, vật chất phục vụ đời sống. Nhiều dự án thi công các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình lớp học, công trình nước sạch, nông thôn được triển khai kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà con ở thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng, hiện nay không chỉ làm ruộng trồng lúa, trồng ngô mà còn được tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò, do Hội chữ thập đỏ triển khai. Nhờ có chương trình này đã giúp bà con thoát ra khỏi cuộc sống đói nghèo, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ gia đình có mức thu nhập ổn định.

Đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo

Không ai có thể nghĩ được rằng, tại nơi gần như xa nhất của huyện vùng cao Lâm Bình, họ có thể gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè, người thân của mình ở mọi miền quê, thông qua chiếc điện thoại di động, sau 1 năm có điện lưới quốc gia, các gia đình mua sắm đồ dùng trong gia đình như Ty vi, tủ lạnh, máy thái chuối, máy xay sát để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho gia đình và phục vụ nhu cầu xây sát lúa ngô cho bà con nơi đây… Khó có thể nói hết niềm vui của bà con đồng bào Mông ở huyện vùng cao này, khi mà họ có ty vi để xem và điện thoại di động để sử dụng trong cuộc sống của người dân. Qua các kênh truyền hình địa phương và Trung ương đã có bao điều cần thiết và bổ ích, với những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà bà con quan tâm được thông tin, hướng dẫn cho nhau mang lại hiệu quả trong đời sống xã hội. Giờ đây thông tin đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây và khoảng cách xa xôi, địa hình hiểm trở giữa các xã khu vực trung tâm và vùng sâu, vùng xa đã được rút ngắn, cuộc sống mới của nhân dân nơi đây dần thay đổi.

Tin cùng chuyên mục