An Nhiên Phát: "Vươn ra khỏi lũy tre làng" - từ tre!

Sản phẩm, thương hiệu "tre Thượng Hà" được đề cử vào "Tốp 20 Sản phẩm chất lượng TỐT vì quyền lợi Người tiêu dùng" và " Tốp 20 Thương hiệu nổi tiếng năm 2019" trong chương trình "Doanh nghiệp, Doanh Nhân học tập và làm theo lời Bác năm 2019" do Viện Kinh Tế và Văn Hóa kết hợp với Trung Tâm Bảo vệ Người Tiêu dùng, Ban quản lý KDT Phủ Chủ Tịch tổ chức. Chẳng thể ngờ rằng, thành quả to lớn và rất đáng tự hào ấy lại được gây dựng bằng đôi tay gầy gò, bé nhỏ của người nông dân có dáng người tương đối khiêm tốn, anh Chẩu Thanh Phương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) An Nhiên Phát.

Đến với thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) vào một chiều oi ả, nhưng dường như tôi không cảm thấy sự gay gắt của cái nắng ngày hè, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ ở đây. Nơi này khép mình, ẩn giữa núi rừng hoang vu, với núi non bao bọc xung quanh, xếp lên nhau san sát. Đường làng rợp bóng tre xanh, với đôi bên là những ruộng trải dài. Có lẽ phần nào vì nét thanh bình, yên ả chốn làng quê, mà tôi luôn cảm thấy được sự thân thiện, gần gũi đến lạ của người dân nơi đây.

Vừa tới nơi, anh Phương đã đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Anh tiếp tôi trên bộ bàn ghế 100% chất liệu bằng tre, do chính tay làm ra. Nhấp chén nước chè, hướng mắt ra khu đồi với bạt ngàn những thân tre cao vút, anh Phương tâm sự. Học hết lớp 12, vì hoàn cảnh khó khăn nên anh đã sớm xa quê làm ăn, trải qua nhiều nghề, trong đó có 6 năm lập nghiệp trong Nam với nghề may, nhưng thất bại. Không nản chí, anh trở về quê tiếp tục đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp được mùa lại mất giá, cộng thêm tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm thời điểm đó bùng phát mạnh, có đợt mất trắng. Lại một lần thất bại, chàng nông dân luôn đau đáu trong mình hướng làm giàu mới.

Ý tưởng từ... ống đựng nước

Một lần có đoàn khách lên chơi, anh dẫn cả đoàn đi xem phong cảnh địa phương, trong đó có một người quên mang theo bình đựng nước. Sinh ra ở rừng, từ nhỏ đã sống với tre, nứa, anh nhanh trí chặt một đoạn tre, đẽo gọt làm ống đựng nước cho khách. Thấy đẹp, lạ và thân thiện với môi trường, vị khách xin giữ lại để phục vụ cho các chuyến đi tiếp theo. Về sau, còn gọi điện nhờ anh làm thêm vài cái nữa để làm quà tặng bạn. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng làm các đồ dùng thông thường bằng tre, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, hướng đến sử dụng vật liệu tự nhiên, không độc hại cho con người và thiên nhiên. Nhưng trong tay chưa có gì, chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Không chịu ngồi yên, anh lao đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi ở các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm tương tự. Sau thời gian tích lũy, anh rủ thêm bạn bè, đầu tư máy móc, bắt tay vào sản xuất thử nghiệm, cho ra đời những sản phẩm đầu tiên, ban đầu chỉ là cái ly, các cốc. Cả nhóm khi ấy, chỉ vẻn vẹn 4 người.

Trai bản xuống phố

Khi đã cơ bản sản xuất được các sản phẩm có tính thẩm mỹ, ổn định, và tương đối đa dạng (như ly, cốc, chén, bát, thìa, bàn, ghế và các vật dụng quen thuộc khác), anh tự mình mang sản phẩm đi quảng bá khắp các tỉnh, chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội. Anh kể: “Khi ấy cứ mang sản phẩm đi dọc các phố phường, thấy chỗ nào bán đồ tương tự thì mình vào giới thiệu, tặng họ 1-2 sản phẩm, quảng cáo được giúp mình thì tốt, không thì coi như để làm kỷ niệm”. Bệnh cạnh đó, anh cũng đưa sản phẩm của mình đến các Homestay trên địa bàn, kết hợp quảng bá trên các trang mạng xã hội. Từng bước, xây dựng nên thương hiệu tre Thượng Hà. Nói về hai chữ Thượng Hà, anh bảo cứ hiểu nôm na là "con nước đầu nguồn", con người dù đi đâu cũng không thể quên được nguồn gốc của mình, mình sinh ra ở đâu, phải đứng lên, phát triển ở đó.

      

"Tôi sẽ ở lại sau lũy tre làng. Tầm nhìn rộng mở khi đẩy lũy tre làng đi xa" - Chẩu Thanh Phương

Tuyệt đối không sống trên sức khỏe của những người đã cho mình bát cơm, kể cả có "sập"

Bắt đầu xây dựng được thương hiệu, đầu năm 2018 anh mạnh dạn thành lập HTX, lấy tên An Nhiên Phát (An lành - Tự nhiên - Phát triển). Những tưởng thành công sẽ dễ dàng đến với mình, nhưng liên tiếp sau đó, khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy. Anh gặp phải hàng loạt vấn đề về vốn, cách thức tổ chức sản xuất, vấn đề về đào tạo lao động, đặc biệt phải xác định đối tượng gắn bó lâu dài, các vấn đề về nguyên liệu, mà quan trọng và khiến anh trăn trở nhất, là xử lý sản phẩm bị nứt. Xứ lý vấn đề đó có nhiều cách, trong đó cách dễ nhất là xử lý bằng hóa chất. Nói đến đây, giọng anh như trầm xuống: "Xử lý bằng hóa chất không khó. Tìm mua hóa chất cũng không khó. Cái khó, là lương tâm mình không cho phép. Không thể sống trên sức khỏe của những người đã cho mình bát cơm, kể cả có phải giải thể HTX cũng nhất quyết không dùng hóa chất".

      

Anh Phương giới thiệu các sản phẩm dịp Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình năm 2018, các sản phẩm hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất gì

Bình minh đang ở trước mặt kia rồi!

Tự tìm tìm tòi, học hỏi, vượt lên những khó khăn. Hiện tại, xưởng sản xuất của anh Phương giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 16 lao động địa phương, hầu hết anh tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, xuất xưởng đều đặn trên 10.000 sản phẩm các loại, làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy, doanh thu hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, anh cũng xây dựng và kết nối với 12 đại lý phân phối, giới thiệu sản phẩm tại cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, trong đó tập trung 6 điểm ở Hà Nội. Trong thời gian tới, anh phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất, tập trung đào tạo nguồn lao động, tiếp tục học tập, tìm kiếm, nghiên cứu những công nghệ mới, áp dụng vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu. Nói về định hướng trong tương lai, anh mong muốn phát triển thành một làng nghề, có uy tín, thương hiệu tầm cỡ, với một mục đích thật giản dị “gìn giữ bản sắc dân tộc, ai cũng có công ăn, việc làm, không phải xa quê, đi công ty ở các khu công nghiệp”. Cuối buổi, tôi mạnh dạn hỏi anh về thành công hiện tại, anh khiêm tốn đáp: “Mình thành công khi mà giúp đỡ được nhiều người, chứ một mình mình, thì chưa gọi là thành công”.

      

Anh Phương tham dự một diễn đàn khởi nghiệp năm 2019

Mặt trời đã khuất sau lưng núi, tôi xin phép ra về, vẫn nụ cười thân thiện anh tiễn tôi đoạn xa. Đoạn đường ấy, cũng gập ghềnh và gian nan như chính con đường đến với thành công của anh. Nhưng đó, là con đường của những nỗ lực, của sự sáng tạo, của sự vinh quanh và tự hào do chính bàn tay "lem luốc" của người nông dân gây dựng nên, là con đường vươn ra khỏi lũy tre làng, bằng chính thứ sinh ra từ làng – đó là tre Thượng Hà!

Nguyễn Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục