Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, trong năm 2013 tỉnh ta đã triển khai thành công nhiều chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện 2 đề tài, 6 dự án và một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó nổi bật nhất là đã thực nghiệm thành công đưa thêm 2 giống lúa mới vào trong cơ cấu mùa vụ là giống lúa RVT và Bte-1. Đây là những giống lúa có năng suất chất lượng cao, gạo thơm ngon phù hợp với điều kiện đồng đất và khí hậu tại địa phương. Thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 81 dự án, với tổng kinh phí thực hiện là 6,33 tỷ đồng. Trong đó có 40 dự án trồng trọt với các mô hình như: lúa chất lượng cao, đậu tương, lạc, khoai tây, rau đậu, cam, 39 dự án chăn nuôi và 2 dự án thủy sản.
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, hàng năm Trung tâm luôn chỉ đạo hệ thống cán bộ khuyến nông tập trung hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng thời vụ; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và tình hình thị trường giá cả các mặt hàng nông sản để người nông dân thực hiện đúng kỹ thuật và có định hướng đầu tư sản xuất. Riêng trong năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện tổ chức 5.406 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tại các thôn, bản cho 277.150 lượt nông dân, trong đó có 77.466 lượt hộ nghèo.
Hiện toàn tỉnh có gần 474.000 con lợn được chăn nuôi trong các hộ gia đình và các trang trại; trong đó có 10 trang trại chăn nuôi quy mô từ 200 đến 500 con. Những năm qua chăn nuôi lợn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, nuôi lợn theo phương pháp truyền thống người nông dân sẽ gặp phải những khó khăn như: Ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải và phân gây ra, tốn công lao động để rửa chuồng và dọn phân… Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Dương triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học” tại thôn Thái Sơn Đông, xã Đại Phú với quy mô 40 con/8 hộ tham gia. Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học (đệm lót lên men) sử dụng các chất liệu trơ, nhưng thấm nước không mủn để làm giá thể cho vi sinh vật phân giải chất thải lên men, trong đó chế phẩm men vi sinh BALASA N01 là nguyên liệu chính của công nghệ này. Kết quả, sau 3 tháng triển khai mô hình, đàn lợn sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, hạn chế được 1 số loại bệnh đường ruột, ngoài ra toàn bộ phân, nước tiểu được vi sinh vật phân giải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trừ chi phí đầu tư, 40 con lợn cho thu lãi 15,92 triệu đồng, trung bình mỗi con lãi 398.000 đồng.
Khuyến khích người nông dân sử dụng phân viên nén dúi sâu trên đồng ruộng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với tổ chức CODESPA - Tây Ban Nha tổ chức thành công hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện dự án “Giúp nông dân gặp khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang cải thiện hiệu quả việc canh tác lúa một cách bền vững thông qua mô hình khuyến khích các hộ nông dân tham gia thị trường phân viên nén dúi sâu” (năm 2011 - 2013). Đến nay toàn tỉnh đã có 106.413 hộ dân sử dụng phân viên nén dúi sâu tại 136 xã với tổng diện tích sử dụng là 15.038 ha. Anh Cao Xuân Tùng thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết, vụ mùa năm 2013 gia đình anh đã sử dụng phân viên nén dúi sâu trên 1 sào lúa. Qua đánh giá theo dõi năng suất lúa trên ruộng sử dụng phân viên nén dúi sâu tăng 10% so với ruộng sử dụng cách bón vãi truyền thống, vụ xuân này, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích ruộng sử dụng phân viên nén dúi sâu lên hơn 2 sào.
Năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực 33,3 vạn tấn, ổn định 8.279 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt trên 60.000 tấn, đàn trâu hơn 107.000 con, đàn bò 18.260 con, đàn lợn hơn 551.700 con và hơn 4,8 triệu con gia cầm... Đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi đã và đang được các cấp, ngành, địa phương và hộ gia đình nỗ lực thực hiện.

Tin cùng chuyên mục