Món bánh trứng kiến mang hương vị độc đáo của người vùng cao Lâm Bình

Bánh trứng kiến tiếng Tày gọi là (Pẻng kháy hày) là một món ăn phổ biến trong mùa xuân của các gia đình người Tày ở Lâm Bình. Để được thưởng thức món bánh đặc sản của dân tộc Tày ở huyện vùng cao này, du khách nên đến Lâm Bình vào khoảng tháng 2, tháng 3 và tháng 4 âm lịch, đây là thời điểm loài kiến đen đẻ trứng.

Chị em phụ nữ dân tộc Tày gói bánh trứng kiến

Có rất nhiều loại trứng kiến nhưng không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Chỉ có trứng của kiến đen, loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn là lành nhất, mới có thể dùng để nấu những món ăn ngon miệng. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những cành cây không cao lắm như ở cây vả, cây sung, cây xoan, quế, găng, tre, nứa...

Trứng kiến sau khi rang chín

Nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột gạo nếp và lá non của cây vả (tiếng Tày gọi là cây ngõa) bọc bên ngoài. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn. Công đoạn làm bánh khó nhất ở phần làm nhân bánh. Nhân bánh được người dân sáng tạo bằng cách sử dụng trứng (ấu trùng) trong những tổ kiến đen. Kiến đen thường sinh sản vào mùa xuân, những ấu trùng còn non có màu trắng vàng, là thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Trứng kiến được rang qua lửa với là hành hoặc lá hẹ thái nhỏ, muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm nhỏ. Khi rang trứng phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa.

Bánh được gói bằng lá vả

Phần bánh được làm từ gạo nếp cái hoặc nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay bằng cối đá cho thật nhuyễn và nhào nặn với nước. Bột sau khi được nhào nặn dẻo và mịn sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Đặc biệt, phần lá để gói bánh trứng kiến không phải là lá chuối, lá dong như nhiều loại bánh khác, mà dùng lá vả non để gói, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Lá vả được chọn để bọc bánh nên lấy lá non, khi ăn sẽ ăn luôn lá vả đó, cảm giác man mát, có lợi trong việc thanh nhiệt cho con người. Bánh được hấp cách thủy khoảng 44 đến 45 phút là chín.

Sau khi gói xong được cho lên bằng chõ xôi làm từ gỗ

Trước đây bánh trứng kiến thường được làm vào dịp Tết thanh minh mùng 3 tháng 3 âm lịch, dùng để cúng tổ tiên trước khi đi tảo mộ. Nhưng những năm gần đây, du lịch phát triển người dân thường làm bánh trứng kiến từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 4 âm lịch để tiếp đón du khách. Nếu du khách có dịp đến Lâm Bình vào dịp từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch sẽ được thưởng thức món bánh trứng kiến đặc sản của người dân Lâm Bình.

Đến Lâm Bình du khách có thể cùng vào bếp làm món bánh trứng kiến cùng chị em phụ nữ dân tộc Tày

Nhưng với những người mới lần đầu thưởng thức món bánh chứng kiến cũng cần phải thử trước vài miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không. Trứng kiến không độc tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm nên có phản ứng phụ khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi dùng hải sản, rượu ong… còn với những người không bị dị ứng thì có thể thưởng thức thỏa mái và nếu có nhu cầu mua về làm quà có thể đặt hàng với các cơ sở homestay trên địa bàn huyện Lâm Bình.

Bánh sau khi hấp chín sẽ có hương vị rất đặc biệt

Khi thưởng thức món bánh trứng kiến của người Tày ở Lâm Bình bạn có thể dễ dàng cảm nhận được vị bùi ngậy của lá vả quyện với lớp bột gạo nếp dẻo thơm và lớp nhân trứng kiến đậm đà mang đến hương vị khá độc đáo so với những loại bánh nếp khác.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục