Lâm Bình phát triển dịch vụ du lịch homestay

      

Lâm Bình có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của 13 dân tộc thiểu số. Diện tích mặt nước hồ sinh thái Na Hang rộng 8.000 ha, thì trên 4.000 ha nằm trong địa bàn huyện Lâm Bình. Huyện còn có những thắng cảnh hấp dẫn khác như: Động Song Long, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, hang Phia Vài… Qua đó cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch của huyện rất lớn. Đặc biệt, huyện có khí hậu mát mẻ, dễ chịu trong các mùa, phù hợp cho du khách ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm; sự đa dạng về nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc bản địa cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Sau một thời gian đến tham quan và khảo sát mảnh đất, văn hoá nơi đây, anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch 5 sao (Hà Nội) thấy nhu cầu của khách du lịch đến với Lâm Bình rất lớn, nhất là đối với loại hình du lịch trải nghiệm. Từ ý tưởng đó, anh đã quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch homestay Nặm Đíp, tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; khu du lịch Bản Bon, xã Phúc Yên. Anh Doanh cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách tạo cho du khách những khoảng thời gian trải nghiệm hấp dẫn, được thực sự thư giãn với loại hình du lịch homestay”.


Cảnh đẹp thiên nhiên của Lâm Bình.

Chính từ loại hình du lịch độc đáo này, nên dù vừa mới đưa vào sử dụng từ tháng 5, song 2 điểm du lịch homestay Nặm Đíp và Bản Bon đã đón rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Lâm Bình. Chị Nguyễn Ngọc Anh, một khách du lịch đến từ huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: “Ở các khách sạn, chỉ việc ăn uống, ngủ nghỉ và theo chân hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về các địa danh khiến tôi cảm thấy ít hào hứng. Vì vậy, khi đến với Lâm Bình, tôi đã chọn dịch vụ homestay. Loại hình du lịch này cho tôi cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực, trò chuyện với người dân bản địa, được trải nghiệm các phong tục tập quán, văn hóa địa phương. Tất cả khiến tôi cảm thấy thú vị và hấp dẫn hơn nhiều”.

    
Các hộ gia đình phát triển homestay tạo khuôn viên và cảnh quan để đón du khách (ảnh 1, 2). 
Nghề dệt truyền thống của người dân tộc Tày huyện Lâm Bình (ảnh 3).

Cùng với homestay Nặm Đíp, homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm cũng là một trong những cái tên được rất nhiều du khách chú ý, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Ban đầu, homestay này được một nhóm bạn trẻ ở xã Thượng Lâm xây dựng nên. Anh Hoàng Văn Minh, chủ homestay Tài Ngào nói, những thành viên trong nhóm đều là những người ưa thích du lịch. Trong những lần đi trải nghiệm, chúng mình cảm thấy rất thích dịch vụ du lịch cộng đồng, vì vậy chúng mình đã quyết định tạo một homestay - nơi mà mọi người có thể đến vui chơi, trải nghiệm, nghỉ ngơi.

Tiếng lành đồn xa, với sự bài trí bắt mắt, cùng không gian nhẹ nhàng, homestay Tài Ngào đã được các bạn trẻ truyền tai nhau, rồi dần dần rất nhiều khách du lịch đã tìm đến với mong muốn được lưu trú và hòa mình vào thiên nhiên, hoặc đơn giản chỉ để có một tấm hình “check in” thơ mộng làm kỷ niệm. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lâm Bình, lượng khách đến Lâm Bình từ đầu năm đến nay đạt hơn 25 nghìn lượt người, trong đó, khách du lịch trải nghiệm homestay trên 10 nghìn lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng này có phần đóng góp quan trọng của loại hình du lịch homestay trên địa bàn.


Khách du lịch chọn mua sản phẩm tại homestay.

Theo anh Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, vài năm trở lại đây, loại hình du lịch homestay được phát triển trên địa bàn huyện, góp phần thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, nếu như năm 2017 toàn huyện mới có 15 hộ làm du lịch cộng đồng, đến nay đã có 24 hộ phát triển loại hình dịch vụ này. Huyện đang tập trung khai thác cảnh quan thiên nhiên đi liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc. Từ đó tạo sự hấp dẫn cho du lịch homestay Lâm Bình đối với đông đảo du khách gần xa

 
Du khách trải nghiệm tại thác Khuổi Nhi.

Theo: baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục