Lâm Bình khai thác tiêm năng du lịch thông qua loại hình du lịch Homestay

Với tiềm năng du lịch phong phú, ngay từ khi mới thành lập, huyện Lâm Bình đã có chủ trương phát huy lợi thế của các di tích lịch sử Quốc gia và các điểm du lịch sinh thái tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng để làm điểm nhấn tạo nên sức hút, phát triển du lịch ở Lâm Bình.

  Được thiên nhiên ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Thượng Lâm không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những phong cảnh nên thơ được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng, điệp điệp, hay truyền thuyết về Phượng hoàng bay về làm tổ mà Thượng Lâm còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm. 
                                                                    

 Chùa Phúc Lâm, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình         

  Với diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang rộng trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình có trên 4.000 ha, trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người. Nếu ai có dịp đi dọc theo lòng hồ giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, với điểm nhấn là núi cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Tiếp nữa là thác Nặm Me (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt hồ. Lâm Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác như: Động Song Long, thác Khuổi Súng; di tích khảo cổ Hang Phia Vài… đến thác Khuổi Nhi, ngược theo dòng thác lên đến đỉnh cao nhất du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp làm say đăm lòng người. Từng nấc thang mềm mại, trắng xóa nối đuôi nhau đổ xuống chân núi như một suối tóc mây trắng mềm mại của người con gái buông xuống mặt hồ phẳng lặng. Đến đây du khách còn được các loài cá sinh sống ở bên dòng thác giúp bạn mát sa chân, tay để quyên đi những mệt mỏi sau những ngày học tập, lao động vất vả… đây là một trong những danh lam thắng cảnh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đặt chân đến Lâm Bình.      

                                               

Thác Nặm Đíp, xã Lăng Can

  Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân. Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá đặc sản vùng lòng hồ, chè Khau Mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…
                                                                   

 Khách du lịch thưởng thức các món ăn truyền thống và thưởng thức những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Tày

  Nhờ chủ động khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nên những năm trở lại đây số lượng khách du lịch đến với huyện Lâm Bình ngày một tăng. Năm 2011 huyện đón được 3.500 lượt khách du lịch, đến năm 2015, tổng lượt khách đến với Lâm Bình đạt gần 10.000 lượt. Hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được chú trọng, công tác xã hội hóa du lịch từng bước được đẩy mạnh. Đặc biệt, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành “Đề cương nghiên cứu, xây dựng Công viên Địa chất Nà Hang - Lâm Bình, Tuyên Quang” trình Chính phủ xem xét, công nhận là Công viên địa chất quốc gia. Khu vực được coi là “hội tụ nhiều giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là các di sản địa chất - địa đạo, các di tích lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học… có giá trị nổi bật tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Đây sẽ là cơ hội lớn để du lịch Lâm Bình phát triển. 
                                                                          

  Núi Cọc vài (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) 

                                                                        

Thác Khuổi Nhi         

  Với tiềm năng phát triển du lịch như vậy,  những năm gần đây trên địa bàn huyện đã có một số hộ gia đình bắt tay vào làm du lịch theo hướng du lịch cộng đồng Homestay. Đây là loại hình du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Hiện nay, mô hình du lịch này đã thu hút ngày một đông khách du lịch đến với Lâm Bình. Gia đình Bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm là một trong những hộ gia đình làm du lịch cộng đồng Homestay tiêu biểu trên địa bàn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Trước đây gia đình bà chưa hề nghĩ đến việc làm du lịch và chưa hề biết đến khái niệm du lịch Homestay nhưng từ khí có nhiều đoàn khách du lịch đến với Lâm Bình có nhu cầu nghỉ lại tại gia đình bà, cùng ăn,  nghỉ và sinh hoạt cùng gia đình. Mặc dù, lúc đầu cũng có những bỡ ngỡ, ngại ngùng vì điều kiện về chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt của gia đình còn tạm bợ, nhưng do nhu cầu của khách du lịch ngày một đông nên bà đã quyết định vay vốn Ngân hàng để đầu tư tu sửa lại ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình và chỉnh trang khuôn viên của ngôi nhà để tiếp đón khách du lịch đến nghỉ lại tại gia đình.  
  Cùng với đó, bà còn mời thêm một số thành viên trong xã có năng khiếu hát then, hát cọi, đánh đàn tính để lập thành một đội văn nghệ để cùng hát giao lưu với du khách. Hiện nay gia đình bà đã đầu tư mua sắm được 4 chiếc thuyền để đưa khách du lịch đi thăm quan cảnh đẹp trên vùng lòng hồ và làm thêm một nhà nổi trên hồ để phục vụ du khách có nhu cầu ăn, nghỉ ngay trên khu vực hồ thủy điện. Từ những hoạt động du lịch như vậy, những năm gần gia đình bà đã có một khoản thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, bà còn khơi dậy ý thức bảo vệ và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương. 
                                                            

Tiếp đón du khách trong ngôi nhà sàn truyền thống

                                                                                

 Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang, Lâm Bình

  Để có giải pháp cho việc phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng Homestay, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần có  kế hoạch phát triển phù hợp. Đó là quy hoạch lại các vùng du lịch, chú trọng phát triển và tái tạo các giá trị văn hóa của các dân tộc đã bị mai một và hướng dẫn người dân làm du lịch một cách bền vững. Đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, vật chất kỹ thuật để phục vụ cho du lịch, có như vậy thì du lịch Lâm Bình mới phát triển xứng với tiềm, lợi thế của địa phương.

T/h: Hà Khánh ( Đài TT - TH Lâm Bình)

Tin cùng chuyên mục