Đưa du lịch homestay bay xa

Tuyên Quang không chỉ có tiềm năng lớn về du lịch lịch sử, sinh thái, du lịch tâm linh mà còn có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng bởi Tuyên Quang là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, phong tục, tập quán của các dân tộc. Việc đẩy mạnh quảng bá về tiềm năng này sẽ đưa loại hình du lịch cộng đồng bay xa, làm cho nơi đây trở thành điểm đến trải nghiệm hấp dẫn.

Cô gái trẻ người Tày Hoàng Thị Yến, con gái cả của gia đình ông Hoàng Văn Tọng, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) mặc dù khản giọng mấy hôm nay nhưng nghe nói có khách muốn tìm hiểu về homestay, Yến niềm nở rót nước, pha trà mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Ở Lâm Bình, homestay Hoàng Tuấn được biết đến từ rất sớm và ai cũng biết công đầu tiên thuộc về Hoàng Thị Yến. Cuối năm 2016, từ trang Facebook cá nhân của mình, Hoàng Thị Yến lập thêm hai tài khoản nữa là “Homestay Lâm Bình - Tuyên Quang” và “Homestay Hoàng Tuấn”. Thông qua hai tài khoản Facebook này, em đăng nhiều hình ảnh quảng bá, giới thiệu về homestay của gia đình mình và các homestay khác của bà con ở Nà Tông. Em còn hướng dẫn các thành viên trong gia đình biết cách sử dụng Facebook để chụp ảnh, đăng tải hình ảnh về homestay.

Homestay ở Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Vợ chồng ông Hoàng Tuấn tuy tuổi đã cao nhưng cũng sử dụng thành thạo mạng xã hội để quảng bá về homestay của mình. Yến cho biết, hiện tài khoản Facebook “Homestay Lâm Bình - Tuyên Quang” của em lên tới trên 2 nghìn lượt theo dõi. Những bài viết của em trên Facebook này được bạn bè khắp nơi trong cả nước tương tác, chia sẻ. Yến cho biết, ngoài việc quảng bá trên mạng xã hội, cách quảng bá hiệu quả nhất vẫn chính là thái độ, phong cách phục vụ của homestay. Nếu thái độ phục vụ chu đáo sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách, từ đó mà “tiếng lành đồn xa”.

Nhận thấy tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, những năm qua, huyện Lâm Bình đã có nhiều giải pháp để quảng bá về tiềm năng này. Huyện đã thành lập Website “dulichlambinh.gov.vn” để quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện. Thông qua việc tổ chức Lễ hội Lồng tông hàng năm và khôi phục nhiều lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc khác như Dao, Pà Thẻn đã góp phần tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch homestay. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện để các gia đình làm homestay được tham gia các lớp tập huấn về quảng bá du lịch, khuyến khích các hộ dân chủ động trong công tác quảng bá du lịch cộng đồng.

Hoàng Thị Yến cùng gia đình tận dụng hiệu quả mạng xã hội để quảng bá
về du lịch homestay của gia đình. 

Na Hang là huyện có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng không thua gì huyện Lâm Bình với những điểm du lịch homestay đầy sức hút như Khau Tràng, xã Hồng Thái; Nà Khá, xã Năng Khả… Những năm qua, du lịch Na Hang có bước phát triển đột phá nhờ đã làm tốt công tác quảng bá du lịch. Huyện đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về tiềm năng du lịch của huyện gắn với tổ chức nhiều hoạt động du lịch đa dạng. Huyện đã tăng cường giới thiệu các công ty du lịch lữ hành đến với các hộ làm dịch vụ homestay để họ kết nối quảng bá, giới thiệu du lịch.

Chị Đặng Thị Dương, chủ homestay ở Khau Tràng cho biết, thông qua các lớp tập huấn và tham quan học tập kinh nghiệm du lịch do huyện tổ chức, chị hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khâu quảng bá. Vì vậy, thông qua sự giới thiệu của huyện, gia đình chị đã kết nối với một công ty lữ hành để thường xuyên cung cấp hình ảnh, tư liệu, bài viết phục vụ cho việc giới thiệu các tua, tuyến du lịch liên kết với du lịch homestay ở Hồng Thái. Cùng với cách thức quảng bá như vậy, chị Dương còn không ngừng đầu tư cơ sở vật chất khang trang cho homestay của gia đình. Chị còn phối hợp với các trường học tổ chức khôi phục lại một số phong tục văn hóa của dân tộc Dao Tiền như hát Páo dung, thêu trang phục truyền thống và các hoạt động trải nghiệm khác.

Đến những điểm du lịch homestay, chúng tôi mới thấy mỗi người dân khi làm du lịch cộng đồng họ đều ý thức được bản thân mình trước hết phải là một người biết cách và chủ động trong khâu quảng bá. Họ đã gìn giữ từng nếp ăn, ở mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình để quảng bá và phục vụ sự trải nghiệm của du khách tốt hơn.

Homestay của ông Hoàng Liên Sơn, thôn 15, xã Kim Phú là 1 trong 5 gia đình làm du lịch homestay trong Làng văn hóa Giếng Tanh. Là Trưởng ban Công tác Mặt trận và là người uy tín, ông luôn vận động nhân dân trong thôn phối hợp tốt để các đơn vị truyền thông quay phim, ghi hình, chụp ảnh giới thiệu về tiềm năng du lịch của thôn. Ông cũng vận động nhân dân trong thôn giữ gìn làn điệu Sình ca, cách làm xôi ngũ sắc, bánh chim gâu, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống của người Cao Lan. Ông bảo: “Phải giữ gìn được bản sắc văn hóa thì mới làm được du lịch cộng đồng”.

Đến nay, toàn tỉnh có 62 hộ dân làm dịch vụ du lịch homestay. Du lịch homestay đã hình thành ở nhiều nơi trong tỉnh như ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn...

Cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi người dân đã năng động, sáng tạo và có những cách riêng để quảng bá về loại hình du lịch cộng đồng. Song, để tiếp tục khai thác tốt hơn nữa về tiềm năng du lịch homestay thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá, hướng dẫn và khuyến khích nhân dân tham gia vào công tác quảng bá về du lịch homestay một cách chuyên nghiệp.

Theo Báo - TQĐT

Tin cùng chuyên mục